07:21 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngành dệt may hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

18:59 03/08/2022

(THPL) - Theo các chuyên gia, để thúc đẩy ngành dệt may, da giày phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chiếm vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.

Trong đó, xanh hóa ngành dệt may là xu thế toàn cầu, bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký hiệp định thương mại tự do.

Nhận thức rõ vấn đề này, chương trình xanh hóa ngành dệt may Việt Nam cũng đang được các DN đẩy mạnh. DN đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đạt chuẩn mực theo yêu cầu khách hàng; tạo môi trường làm việc xanh; đầu tư sử dụng nguồn năng lượng tái tạo... Các DN cũng tập trung ứng dụng các giải pháp tự động hóa, quản trị số.

Đây là xu thế tất yếu, tạo nên sự khác biệt và nền tảng cực tốt để thích ứng nhanh, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững cho ngành. Như trong lĩnh vực sợi, đã có nhà máy đầu tư tự động hóa toàn bộ từ khâu đầu đến khâu cuối; trong công đoạn may, nhiều DN áp dụng tự động hóa ở nhiều công đoạn, một công nhân có thể đứng 3-4 máy; trong quản trị số, có khoảng 60% DN trong ngành đã quan tâm đầu tư.

Trước đó trong một khảo sát từ chương trình US Cotton Trust Protocol, khoảng 70% các thương hiệu và nhà bán lẻ đang chú trọng hơn đến tác động môi trường của các sản phẩm thời trang. Gần như 100 thương hiệu thời trang hàng đầu đã cam kết công khai chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu bền vững trong vài năm tới.

Điều này cho thấy, dệt may Việt Nam muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.

Ngành dệt may hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Theo báo VTV News, hãng thời trang H&M của châu Âu đã có cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hoà carbon cho các nhà máy của hãng này hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp của họ vào năm 2030. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn 30 nhà cung cấp của hãng tại Việt Nam cũng sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sử dụng nguyên liệu bền vững.

Quy định từ các thương hiệu lớn toàn cầu đang tạo sức ép lớn với doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử như các quy định của Mỹ, hay châu Âu về tuổi thọ và tỷ lệ tái chế của hàng dệt may mới được đưa ra trong năm nay đều đòi hỏi cao hơn với chuỗi cung ứng bông, sợi.

Theo báo Quân đội nhân dân, nửa đầu năm 2022 là thời điểm các doanh nghiệp (DN) dệt may từng bước phục hồi sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đưa kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, 6 tháng cuối năm, ngành dệt may sẽ đối diện với nhiều khó khăn mới, nhất là những biến động từ thị trường. Song ngành dệt may vẫn quyết tâm hướng tới mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 43 tỷ USD.

Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, các DN cần bắt kịp xu thế thị trường, tiếp tục đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ nhằm thích ứng được với yêu cầu từ các nước nhập khẩu, điển hình như yêu cầu về sản phẩm may mặc tái chế vào thị trường EU hiện nay. Đặc biệt, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, nhất là chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết thêm, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại nhưng cũng kèm với thách thức.

"90 - 95% doanh nghiệp dệt may của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ có 5 - 10 % là doanh nghiệp lớn và siêu lớn. Điều này đặt ra thách thức cho phát triển bền vững bởi việc phát triển bền vững sẽ đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn", ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay.

Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển từ phát triển nhanh sang bền vững, với mục tiêu tăng trưởng mức 5 - 6%/năm, tương đương giá trị sản xuất khoảng 68 - 70 tỷ USD.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu