01:01 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nam Định: Bắt cặp đôi vờ mua hàng để lừa đảo tiền tỷ

10:00 25/08/2017

(THPL) - Nắm bắt được các chủ thu mua nông sản thường giao dịch qua điện thoại nên Kê và Dân mua sim rác rồi đặt mua hàng, thanh toán đầy đủ lần đầu để tạo lòng tin. Sau đó tiếp tục đặt mua hàng với khối lượng lớn hơn rồi trốn nợ.

Theo thông tin từ Công an thành phố Nam Định, cơ quan này vừa bắt giữ 2 đối tượng lừa đảo hàng tỷ đồng bằng cách mua hàng nông sản qua điện thoại.

Theo tài liệu điều tra, vào ngày 3/7, chị Vũ Thị Hằng (47 tuổi), trú tại xã Ea tý, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, nhận được điện thoại từ 1 số lạ đề nghị mua 50 triệu đồng hàng nông sản là đỗ xanh và nhờ chị Hằng gửi ra kho hàng tại bến xe thành phố Nam Định. Ngay sau khi chuyển hàng, chị Hằng nhận đủ 50 triệu qua tài khoản ngân hàng.

Đối tượng Lê Thị Kê tại cơ quan công an. (Ảnh: CA)

Đến ngày 10/7, số điện thoại trên lại gọi đặt mua đỗ xanh với khối lượng trị giá 250 triệu đồng. Vì thấy lần đầu người mua hàng có “uy tín” gửi tiền ngay nên chị Hằng không nghi ngờ gì, nhanh chóng gửi số hàng khách đặt dù chưa biết người mua là ai.

Tuy nhiên, sau khi gửi hàng, chị Hằng mỏi mòn chờ đợi không thấy tài khoản nhận được tiền. Gọi đến số máy đặt mua hàng thì thấy đã tắt máy. Nghi ngờ bị lừa nên đến đầu tháng 8, chị Hằng gửi đơn trình báo đến Công an thành phố Nam Định.

Sau khi có đủ căn cứ, Công an Nam Định đã tìm ra thủ phạm lừa đảo Lê Thị Kê (41 tuổi), thường trú tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk và người tình của Kê là Trần Nhật Dân (48 tuổi), trú tại xã Trực Thanh, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, 2 đối tượng này không có mặt ở Nam Định.

Đối tượng Trần Nhật Dân là người tình của Kê. (Ảnh: CA)

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 22/8, Công an thành phố Nam Định đã bắt được Kê và Dân khi cả 2 đang thuê nhà ở để lẩn trốn tại thôn Bằng Nga, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại cơ quan điều tra, Kê và Dân khai nhận vốn làm nghề buôn nông sản tại huyện Ea Kar, bị phá sản, vỡ nợ, nên trốn ra Hà Nội. Biết các chủ vựa mua nông sản thường giao dịch qua điện thoại nên cả hai đã mua sim rác rồi đặt mua hàng, thanh toán đầy đủ lần đầu để tạo lòng tin, sau đó tiếp tục đặt mua hàng với khối lượng lớn hơn rồi vứt sim điện thoại, bỏ trốn.

Bằng thủ đoạn trên, Kê và Dân cũng đã lừa được 9 hộ kinh doanh nông sản khác cùng ở huyện Ea Kar với tổng số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng.

Để tránh bị phát hiện, Kê và Dân cũng dùng điện thoại để thuê kho, thuê lái xe chuyển hàng từ kho ra Hưng Yên tiêu thụ nên toàn bộ quá trình lừa đảo, cả 2 đối tượng này đều không lộ diện.

Minh Hà (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu