01:16 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Mường Lát-Thanh Hóa: Mượn đất làm lều trọ cho con đi học

| 19:09 20/10/2017

(THPL) - Không khó để gặp những đứa trẻ gầy guộc đứng bên những ngôi nhà lụp xụp bên đường, hỏi ra mới biết các em là học sinh của Trường PTTH Mường Lát (Thanh Hóa). Lều trọ của các em được bố mẹ làm để cho con đi học để kiếm cái chữ về bản.

Lều trọ tranh tre đơn sơ của em Hơ Văn Tính và các bạn học cùng được bố mẹ các em mượn đất dựng lên.

Nước dưới suối, rau trên rừng

Sau gần một ngày đường rời TP. Thanh Hóa, chúng tôi đã đến Mường Lát - một huyện vùng biên giới phía Tây của tỉnh. Trên con đường đi qua Khu phố 02 thị trấn Mường Lát, chúng tôi gặp một số học sinh đang vui chơi bên những căn nhà gỗ, vách nứa lợp lá cọ đơn sơ. Hỏi ra mới biết đó chính là những khu nhà trọ của các em học sinh nghèo xa nhà, hiện đang theo học tại Trường THPT Mường Lát. Bố mẹ các em mượn đất rồi lên rừng chặt cây về làm lều trọ học cho các em.

Gặp em Va Văn Dé 17 tuổi, học sinh lớp 11, người bản Pù Ngùa xã Pù Nhi, ánh mắt Dé ngại ngùng khi chúng tôi hỏi chuyện. Nhà Dé ở cách trường gần 20 km, khi vào lớp 10 xa nhà, đường xá đi lại khó khăn nên Dé cũng như nhiều bạn học sinh khác trong bản được bố mẹ mượn cho một vạt đất gần trường học rồi làm cho một cái lều ở trọ con con, trông xa như một cái lều nuôi vịt của người dưới xuôi.

Khi mượn được đất làm lều cho con đi học, bố mẹ Dé đã lên rừng để chặt cây, lấy lá cọ về làm lều học cho con. Kể từ đó Dé về đây ở và trọ học. Do xa nhà nên cứ 2 đến 3 tuần Dé mới về nhà một lần. Đến nay, lều trọ của Dé đã bắt đầu ọp ẹp, ngày nắng thì không sao, nhưng khi trời mưa xuống, căn lều bị dột, Dé chịu rét, ướt cả quần áo, sách vở. Dé ở chung với bạn tên Thao Văn Tông, 16 tuổi, đang học lớp 10, người cùng bản với Dé. Tông và Dé khá chăm học, do lều trọ không có điện nên buổi tối Thao, Dé phải thắp đèn dầu để học.

Vật dụng đơn sơ trong phòng của các em

Khu lều ở trọ của Dé có 4 lều trọ với 8 học sinh ở, mỗi phòng là một bếp củi đơn sơ. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, các bạn sẽ thay phiên nhau về nhà lấy tiền, gạo, muối, mì chính, rau. Nước được các bạn học sinh lấy dưới suối về nấu ăn, củi thì lấy trên rừng về đun nấu, tắm giặt ra bờ suối.

Gần lều trọ của Dé, Thao là lều trọ của Thao Thị Trua học lớp 12 cùng một người bạn ở bản Pá Hộc xã Nhi Sơn. Khi chúng tôi đến Trua đang nấu cơm chiều, bữa cơm khá đơn giản chỉ có canh, cơm và đậu phộng. Em Trua vui vẻ chia sẻ: “Bọn em vất vả nó cũng quen rồi, phải động viên cố gắng cùng nhau vượt qua thôi, mong ước được đi học cao hơn để sau này làm cô giáo”.

Đa số các em học sinh ở các khu lều trọ đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước dành cho học sinh miền núi, các em phải tự lo cho sinh hoạt riêng của mình. Hàng ngày ngoài những buổi đến trường, các em tranh thủ vào rừng chặt củi, hái măng, rau rừng về để cải thiện bữa ăn. Em Thao Thị Trua tâm sự: “Nhà em ở xa, đường đi lại khó khăn nên không về hàng buổi được, có khi phải vài ba tuần em mới về, em đang tập trung cho năm cuối thi đại học nên việc học khá bận, cũng ít khi về nhà”.

Cách khu lều trọ của các bạn De, Thao không xa, nằm ngay bên đường là lều trọ học của em em Hơ Văn Tính học sinh lớp 11B, 17 tuổi, nhà ở bản Cán Nọi, xã Pù Nhi. Lều trọ của Tính có 6 bạn, khi chúng tôi đến có 2 bạn đang về quê lấy “tiếp viện” gạo, muối, tiền… Cả 6 bạn đều ở xã Pù Nhi, học các lớp khác nhau, trước khi lên thị trấn học bố mẹ các em đã phải xuống thị trấn mượn đất gần trường rồi làm lều trọ tranh tre cho các em học.

Khi tôi đến, Hơ Văn Tính đang nấu ăn, bữa cơm của và các bạn cũng khá đơn giản chỉ có rau rừng, cá khô và lạc rang. Hơ Văn Tính chia sẻ: “Gạo, ngô đã có sẵn và mỗi người phải bỏ ra đóng 10 ngàn tiền ăn/1 ngày, mỗi bữa ăn bọn em chưa đạt 4000 đồng/người nên thiếu thốn nhiều thứ. Để cái thiện bữa ăn chúng em phải vào rừng hái rau rừng, măng, xuống suối mò cua bắt cá”.

Gần lều trọ của Hơ Văn Tính là khu lều trọ của các em học sinh Hơ Văn Tùng, Hơ Văn De, Hơ Văn Phênh, người xã Quang Chiểu, hiện đang học lớp 12 trường PTTH Mường Lát. Cũng như các bạn lán trọ khác, lán trọ của các em được bố mẹ làm bằng những tấm lợp Proximang mang ở nhà lên, rồi vào rừng chặt cây, tre nứa về dựng lều. Do phải mượn đất để làm lều trọ nên đa số các lều trọ được làm khá xa so với trường học, bình quân là xa hơn 3 km và phải đi bộ để đến trường.

Đồ đạc được dựng tạm...

Gian nan đi tìm con chữ

Trò chuyện với các em học sinh trong căn lều đơn sơ, chúng tôi thấy ngoài trời những cơn gió mang theo cái rét đầu mùa đã len qua vách nứa lùa vào lều trọ, mùa đông tới chắc sẽ lạnh lắm. Những vách nứa đơn sơ liệu có ngăn được cái lạnh lúc đông về, cùng những manh áo mỏng càng khiến các em run lên vì rét. Nhìn những lều trọ đã cũ nát, hở trước, trống sau, bên trong không có tài sản gì ngoài chiếc giường, nồi, bát, chậu và cái hộp đựng quần áo bằng nhôm.

Thầy giáo Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Trường PTTH Mường Lát bộc bạch: “Hiện tại có nhiều em ở lán trọ bên ngoài là đúng, nó có nhiều nguyên nhân. Các em học sinh người Mông đa số thích sống tự do, sống theo nhóm người cùng bản, cùng xã nên các em tập trung lại rồi ở trọ cùng nhau. Nếu ở nội trú trong ký túc xá của nhà trường, các em buộc phải đóng tiền ăn từ 700 đến 750 nghìn đồng/tháng, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên phải ra ngoài ở, nhiều em học sinh khi tập trung lại ở trọ với nhau chi phí sinh hoạt ăn, ở sẽ rẻ đi”.

Em Hơ Văn Tính 11B, 17 tuổi, ở bản Cán Nọi, xã Pù Nhi nấu bữa cơm đạm bạc trong lều trọ.

Thầy giáo Trần Anh Văn, chia sẻ thêm: “Làng học sinh của trường PTTH Mường Lát có 30 phòng, với hơn 300 học sinh, mỗi phòng căng lắm cũng chỉ ở được 12 em học sinh là cao lắm rồi, hiện sức chứa của Làng học sinh đã không còn nên các em buộc phải ra ngoài ở trọ”.

Chia sẻ với những khó khăn của học sinh, Ông Mai Xuân Giang – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết: Mường Lát về cơ bản đã không còn những khu lán trọ, lều trọ học tạm bợ cho học sinh nội trú. Các trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn của huyện đã có phòng học kiên cố, phòng học cấp 4, có khu bán trú, nội trú cho học sinh”.

“Hiện tại, có một số em học sinh trường PTTH Mường Lát đang ở, sinh hoạt trong những lều trọ, nguyên nhân là do các em người Mông thích được sống tự do, ở theo nhóm người cùng bản làng, người cùng xã nên ra ngoài ở trọ. Hiện tại, hàng tháng mỗi em học sinh ở Mường Lát được hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu và 15kg gạo”.

Giang Nam

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu