11:09 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Liệu Hà Nội có “dọn sạch” được Hồ Tây?

| 17:30 11/02/2017

(THPL) – Sau nhiều lần chỉ đạo việc di dời, tháo dỡ các nhà hàng nổi, du thuyền kinh doanh ăn uống vi phạm trên Hồ Tây nhưng chưa thực hiện được, liệu rằng với quyết tâm lần này, UBND Thành phố Hà Nội có thành công?


Kinh doanh dịch vụ nhà hàng tại các du thuyền trên Hồ Tây

Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện có 13 đơn vị có phương tiện thủy đang hoạt động trên Hồ Tây. Được biết, hầu hết các đơn vị này đều đang hoạt động trái phép nhiều năm nay. Các du thuyền tại đây tồn tại từ thời bao cấp, ban đầu chỉ có 5 doanh nghiệp, về sau cổ phần hóa và tách thành 13 doanh nghiệp.

Hầu hết phương tiện thủy nội địa tại đây chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định. Các tàu thuyền ở đây còn tự ý cải tạo, mở rộng kích thước để hoạt động kinh doanh. Việc hoạt động trái phép nhiều năm tại đây đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực, chưa kể đến việc an toàn phòng cháy chữa cháy không đảm bảo. Bên cạnh đó, việc hoạt động kinh doanh ăn uống của các nhà hàng tại đây còn gây mất vệ sinh, làm ô nhiễm Hồ Tây.
Quang cảnh nhếch nhác gây mất mỹ quan đô thị tại bến thuỷ Hồ Tây

Qua tìm hiểu, PV Thương hiệu và Pháp luật được biết kể từ năm 2010, nhiều doanh nghiệp nơi đây đã bị xử phạt, tuy nhiên công tác xử lý còn chưa được quyết liệt. Việc các tàu thuyền vẫn tiếp tục hoạt động còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy.

Vào tháng 9/2015, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GTVT Hà Nội về việc di dời toàn bộ tàu thủy nội địa tại Bến Thủy (đầu đường Thụy Khuê) về khu vực Đầm Bảy, đồng thời yêu cầu thực hiện ngay trong tháng 10/2015.

Tiếp đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt, hạn cuối phải di dời toàn bộ là ngày 30/4/2016. Trước khi có đề xuất trên, Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các bến thủy nội địa tại khu vực Hồ Tây. Đoàn thanh tra xử phạt vi phạm hành chính một số du thuyền, nhà nổi không có chứng chỉ chuyên môn liên quan đến điều khiển tàu thuyền và sử dụng phương tiện sai quy định.

Ngày 10/6/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục có văn bản chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và các đơn vị liên quan tập trung xử lý triệt để vi phạm của các du thuyền, xuồng, cầu tầu tại Hồ Tây.

Thanh tra sở GTVT đã tiến hành niêm phong cửa ra vào các du thuyền bằng Barie sắt kiên cố nhưng sau đó các doanh nghiệp đã tự ý phá để hoạt động chui. Ảnh chụp tháng 6/2016

Theo đó, trước ngày 20/6/2016, Thanh tra Sở GTVT cùng CSGT Đường thủy lập biên bản, đình chỉ hoàn toàn hoạt động của tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép. Đồng thời, báo cáo UBND TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến thủy, cầu tàu tại Đầm Bảy để chuẩn bị di dời toàn bộ phương tiện thủy về tập kết. Thanh tra Sở GTVT cũng đã niêm phong cửa ra vào các nhà hàng, du thuyền bằng barie sắt kiên cố, được khóa chặt vào 2 bên lan can sắt của bờ hồ. Thế nhưng sau đó các doanh nghiêp đã tự ý phá barie để hoạt động "chui".

Ghi nhận của Pv vào ngày 11/2/2017, du thuyền Potomac đã có dấu hiệu của việc tự tháo dỡ

Gần đây nhất, ngày 7/2/2017, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 38/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc kiểm tra và giải quyết các kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây của các doanh nghiệp.

Trong văn bản nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, chỉnh trang, quản lý và khai thác khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND thành phố giao UBND quận Tây Hồ căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi... trên Hồ Tây. Các công việc nói trên phải hoàn thành ngay trong quý I-2017. 

Cũng ngay trong ngày 7/2, UBND phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh hoàn tất việc tự tháo dỡ công trình, nhà nổi, du thuyền trên khu vực bến thủy Hồ Tây trước 16h ngày 9/2. Sau thời điểm này, UBND phường sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế.

Du thuyền Tây Long 2 với mục đích chở khách tham quan Hồ Tây đang trở về điểm neo đậu sau một thời gian "lượn lờ" ngoài hồ 

Thế nhưng thực tế mà PV Thương hiệu và Pháp luật ghi nhận được vào ngày 11/2 thì các nhà hàng, du thuyền tại đây vẫn không hề có dấu hiệu tự tháo dỡ, cũng như không hề thấy một động thái nào từ phía UBND phường Thuỵ Khuê như thông báo trước đó.

Hiện chỉ có một đơn vị như Công ty CP sông Potomac tự tháo dỡ một phần nhỏ ở cầu tàu khu vực nhà thuyền. Nhưng đây chỉ là hành động “che mắt” lực lượng chức năng. Còn những đơn vị khác vẫn "án binh bất động".

Vậy sau nhiều lần chỉ đạo quyết liệt, liệu rằng với quyết tâm lần này, UBND Thành phố Hà Nội có thành công trong việc di dời, tháo dỡ các tàu thuyền, du thuyền, nhà hàng nổi kinh doanh ăn uống vi phạm trên hồ Tây?

Thuỳ Linh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu