23:34 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng “tỷ phú” sống trong ô nhiễm

| 15:20 18/01/2017

(THPL) - Càng vào dịp Tết, làng nghề dệt và sản xuất bánh kẹo La Phù càng thêm nhộn nhịp. Nghề truyền thống đã giúp nhiều người trở thành tỷ phú, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhưng mặt trái làm nghề là người dân phải sống trong ô nhiễm chưa có lời giải.

Vừa làm nghề vừa sống trong ô nhiễm

Chúng tôi có mặt xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) vào những ngày cuối năm. Toàn xã giờ đã xây dựng đường sá, nhà cửa khang trang, ô tô, xe ba gác ra vào tấp nập chở bánh kẹo, vải len…phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Những người làm nghề ở La Phù bây giờ đua nhau vươn ra sát đường, đất chật người đông, mặt bằng sản xuất thiếu thốn. Nhiều hộ gia đình phải tìm thuê đất các xã lân cận để sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo của UBND xã La Phù, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ mỗi năm toàn xã đạt trên 1.243 tỷ đồng, tăng 9,2% so với những năm trước. Cơ cấu kinh tế toàn xã nông nghiệp chiếm 1,6%, công nghiệp xây dựng chiếm 51,2%, dịch vụ, thương mại, 47,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/người/năm.

Qua tìm hiểu, được biết trên địa bàn xã La Phù có khá nhiều hộ sản xuất dệt len, nhuộm vải và sản xuất bánh kẹo. Chính vì thế con kênh giáp ranh địa bàn hai địa phương này bị ô nhiễm trầm trọng. Được biết, nước thải công nghiệp của các hộ trong quá trình làm nghề đều không qua xử lí và “tống” thẳng ra 2 kênh tiêu trên địa bàn xã. Lần theo 2 kênh tiêu của xã, chúng tôi ra đến một kênh to nước thải đen ngòm, đặc kịt bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chia sẻ với PV Thương hiệu và Pháp Luật bà Nguyễn Thị T. người dân xã La Phù sống gần dòng kênh cho hay: “ Vào những ngày cuối năm, chú về đây, dòng kênh ven địa bàn xã chuyển màu đen và bốc mùi nồng nặc lâu lắm rồi, vì người dân quanh đây làm nghề nhuộm lâu đời, không một hộ nào có cách xử lí nước thải cả. Chúng tôi lo ngại, nguồn nước này sẽ ngấm vào đất và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa có lời giải…

Dòng kênh làng nghề chảy qua địa bàn luôn trong tình trạng ô nhiễm. Ảnh Nguyễn Hiếu

Ông H. một người dân khác sống cạnh con kênh ô nhiễm phàn nàn với phóng viên: “Trước kia, do đất đai rộng, nước thải rút rất nhanh, nhưng hiện nay đất đai, sông hồ bị thu hẹp, ao hồ, kênh mương lại tồn đọng lắm rác thải nên nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng nề. Hôm nào trời đang mưa chợt nắng thì mùi hôi thối từ dòng kênh này bốc lên khó chịu lắm! Nhà tôi ở đây mà váng hết cả đầu. Chưa biết về sau bệnh tật thế nào, nhưng vừa sống vừa chịu đựng thế này rất khổ”.

Theo tìm hiểu của PV, ở La Phù có rất nhiều nhà làm nghề nhuộm, nhưng chỉ có một vài hộ là nhuộm được hàng dệt kim với số lượng lớn, còn lại là sản xuất nhỏ lẻ, khách hàng đặt số lượng bao nhiêu thì đáp ứng bấy nhiêu. Đa phần người làm nghề dệt từ đời ông cha truyền lại, rất thủ công và tự phát, nên khó xử lí các chất thải trong quá trình sản xuất.

Tìm lời giải giảm thiểu ô nhiễm

Bài toán đặt ra đối với tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề dệt len và chế biến bánh kẹo ở La Phù nhiều năm qua, nhưng đến nay chính quyền xã chưa có lời giải triệt để. 

Vào những ngày cuối năm sản phẩm bánh kẹo, vải vóc luôn tấp nập. Ảnh; Nguyễn Hiếu

Theo báo cáo đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường của UBND xã La Phù, mỗi năm toàn xã xả thải từ rác làng nghề và sinh hoạt khoảng 2.800 tấn chất thải các loại. Còn lượng nước thải sinh hoạt và làm nghề xả thải ra môi trường xung quanh xã chưa có con số đánh giá, báo cáo cụ thể, nhưng cũng tới hàng ngàn lít nước mỗi ngày. Trao đổi với PV, ông Tạ Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: “Hiện nay, người dân xã La Phù chủ yếu làm bánh kẹo và dệt len, còn nhuộm vải chủ yếu là người dân phường Dương Nội. Vào những ngày cuối năm thì nghề làm bánh kẹo, mứt, dệt len... ở đây mới rộ lên. Do làng nghề chật chội, không có mật bằng sản xuất nhiều hộ dân đã tự thuê địa điểm ở các xã khác để sản xuất. Ở La Phù từ năm 2006 đã thành lập Điểm công nghiệp để tập trung các hộ sản xuất tránh gây ô nhiễm môi trường, nhưng hiện nay, điểm công nghiệp cũng đã quá tải, xã không còn quỹ đất để bố trí cho các hộ sản xuất”.

Theo ông Thắng, ngày trước nhiều hộ còn làm nghề rất thủ công, nên vấn đề xử lý nước thải, rác thải còn hạn chế. Đến nay, trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vẫn đề ô nhiễm môi trường, nên đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải trong quá trình sản xuất trước khi xả ra kênh mương…

Thời gian qua, UBDN xã La Phù cũng đã ký kết với Công ty vệ sinh Môi trường đô thị Hà Đông hàng ngày đến thu gom rác thải từ các hộ dân nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải rắn từ các hộ làm nghề... nhưng cũng chỉ giải quyết tạm thời. Ông Thắng chia sẻ thêm: “Chính quyền xã đã kiến nghị cấp trên nhiều lần dành quỹ đất xây dựng nhà máy xử lý nước thải và Khu công nghiệp để tập trung các hộ, các doanh nghiệp làm nghề, nhưng đến nay vẫn chưa được sự đồng thuận". Vì vậy, việc xử lý nước thải trong quá trình làm nghề và sinh hoạt ở La Phù vẫn là dấu hỏi chưa có lời đáp. Mong mỏi của người dân và chính quyền xã La Phù là rất muốn các ngành, các cấp quan tâm tìm giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề, để người dân yên tâm sản xuất.

Nguyễn Hiếu

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu