14:41 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề tranh thêu Quất Động: Nơi “dệt” lên những bức tranh quê

10:50 07/01/2022

(THPL) - “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về Quất Động với anh thì về/Quất Động làng anh có nghề/Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành”. Câu ca dao trên như lời mời, đưa du khách về với làng nghề thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) với nghệ thuật thêu truyền thống, đem đến những tác phẩm thêu tinh tế, độc đáo cho những ai yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 23km về phía Nam, làng thêu ren Quất Động thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín nằm cạnh quốc lộ 1A. Đây là làng nghề thêu thủ công truyền thống, có lịch sử lâu đời từ thế kỷ XVII.

Trước đây, người thợ thêu ren thường làm những mặt hàng nghi lễ hay phục vụ cung đình như thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình, chùa; các loại khăn chầu, áo ngự cho vua chúa. Ngày nay, Quất Động còn được biết đến nhiều hơn với những sản phẩm thêu tay cầu kỳ và tinh tế.

Cũng theo sử sách xưa ghi lại: Ông tổ nghề thêu của làng Quất Động là Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái, sinh năm 1606 tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội).

Năm 1637, ông đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê. Năm 1646, ông được cử đi sứ nhà Minh. Trong thời gian này, ông đã học được cách thêu lọng và sau này đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động. Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), người dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.

Làng nghề tranh thêu Quất Động được biết đến nhiều hơn với những sản phẩm thêu tay cầu kỳ và tinh tế.
Nhìn vào mỗi bức tranh thêu là thấy cả hồn quê hiện hữu, khơi gợi tình yêu non sông đất nước. 

Về phía các nghệ nhân trong làng chia sẻ lại rằng: Công đoạn thêu nói ra thì đơn giản, bắt đầu từ vẽ mẫu, căng nền, chấm kiểu, chọn chỉ màu, sau đó tiến hành thêu. Nhưng để làm ra một sản phẩm thêu hoàn thiện thì đó chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa đôi bàn tay khéo léo và đôi mắt tinh thường, sự cảm nhận tinh tế và chăm chỉ, cần mẫn.

Tranh thêu làng Quất Động mang đậm màu sắc truyền thống, có cây cỏ, phong cảnh dân dã như cây đa, bến nước con thuyền, người làm đồng, đánh cá, dệt vải hay những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

Nhìn vào mỗi bức tranh thêu là thấy cả hồn quê hiện hữu, khơi gợi tình yêu với non sông đất nước. Có lẽ vì thế mà các sản phẩm thêu của Quất Động nổi tiếng gần xa, không những phục vụ thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài.

Có dịp về thăm làng tranh thêu Quất Động, không khó để du khách bắt gặp các mặt hàng đa dạng về mẫu mã, chủng loại với đa dạng các hoạt động văn hóa như: câu đối, cờ, trướng,…  và cả những bức tranh thêu phong cảnh, chân dung hiện đại bày bán tại các cửa hàng.

Phải chăng vì thế mà nghề thêu thủ công tại Quất Động vẫn là nghề trọng yếu, chỉ đứng sau nghề nông và đem lại công ăn việc làm cho nhiều người lao động, với thu nhập từ thêu thùa chiếm tới 50% tổng thu nhập bình quân của xã.

Trong ngôi nhà nhỏ của người dân Quất Động, nhà nào nhà nấy đều có khung thêu, có nhiều gia đình tới 5 – 7 đời làm nghề này, các bé gái được học thêu từ nhỏ, cho đến lúc lớn trở thành những thợ thêu chuyên nghiệp. Ngoài kinh doanh các mặt hàng thêu theo hộ gia đình, Quất Động còn có hợp tác xã thêu với nhiều xưởng thợ, xưởng nhỏ thì 15 – 30 tay kim, xưởng to thì phải 200 – 500 nhân lực.

Theo dòng chảy của thời gian, nghề thêu Quất Động vẫn giữ được hơi thở truyền thống khi người dân biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, làm hồi sinh dòng tranh nổi tiếng. Dù còn nhiều thăng trầm với nghề, nhưng những người thợ nơi đây vẫn đều đều từng ngày vẽ  lên những bức tranh thêu đẹp mắt, những khúc thơ hay… để làm sống dậy nghề thêu tranh truyền thống từ bao đời nay.

Lưu Kỳ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu