17:46 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề bánh gai Tứ Trụ “tiến Vua” rộn ràng vào vụ Tết

07:43 22/12/2021

(THPL) - Từ lâu, bánh gai làng nghề Tứ Trụ (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã nổi tiếng là món quà quê dân dã, quen thuộc. Sự hòa quyện từ vị dẻo mềm của gạo nếp, vị bùi thơm của nhân đậu xanh trộn lẫn những sợi dừa tươi và sự ngọt ngào đặc trưng của mật mía... đã khiến bánh gai Tứ Trụ trở thành món ngon dễ ăn, dễ “nghiện” cho thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức.

Theo lời kể của các cụ trong làng: Bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ làng Mía, thuộc địa phận xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi làng này được hình thành cách đây khoảng gần 600 năm, có vị trí thuận lợi, liền kề dòng sông Chu màu mỡ trù phú. Tới nay, nghề làm bánh gai ở làng Mía vẫn còn tồn tại, có hơn một nửa số hộ dân vẫn còn theo nghề. 

Trước đây, loại bánh gai này được dâng lên tiến vua và chỉ được làm vào những ngày Lễ, Tết, dịp quan trọng. Nhưng về sau này, nhu cầu của người mua ngày càng cao, vì vậy làng nghề sản xuất quanh năm để đáp ứng cho những cơ sở bán đặc sản hoặc phục vụ khách du lịch mua về làm quà.

Tên bánh gai Tứ Trụ xuất phát từ những năm 1940, khi người làng Mía mang bánh gai đi bán ở phố Tứ Trụ (thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân ngày nay), người mua quen miệng thường gọi là bánh gai Tứ Trụ. Vậy nên từ đó, bánh gai làng Mía mang một cái tên mới và trở thành món đặc sản Thanh Hóa ngon trứ danh, nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. 

Bánh gai Tứ Trụ trở thành món ngon dễ ăn, dễ gây “nghiện” cho thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức.
Bánh gai Tứ Trụ cũng trải qua nhiều công đoạn làm bánh.

Giống với các làng nghề làm bánh gai trên cả nước, bánh gai Tứ Trụ cũng trải qua nhiều công đoạn làm bánh. Từ khâu chọn nguyên liệu đến khi bánh hình thành rất phức tạp, tất cả đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẫn và cả những kỹ năng của người thợ.

Lớp vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp, bột lá gai và mật mía. Gạo nếp ngâm từ 2 đến 3 tiếng sau đó được xay mịn. Lá gai, nguyên liệu làm hương vị đặc trưng cho mỗi chiếc bánh, sau khi được chọn kỹ, luộc chín, rửa sạch, ép khô nghiền thành bột rồi mới đem trộn đều với gạo nếp và mật mía tạo nên hỗn hợp bột màu đen sánh nhuyễn.

Nhân bánh là thành phần không thể thiếu quyết định đến sự thơm ngon của bánh. Nhân bánh được làm từ các nguyên liệu chính như: đường, đậu xanh, dừa nạo và một ít dầu chuối. Màu vàng tươi mới của đậu xanh giã mịn cùng màu trắng của những sợi dừa nạo, hương thơm phảng phất tinh dầu chuối giúp cho mỗi chiếc bánh càng trở nên hấp dẫn.

Vỏ bánh đen bóng sau khi bọc đều bên ngoài nhân sẽ được rắc lên một lớp vừng trắng để tăng thêm độ bùi béo, vẻ bắt mắt và làm cho chiếc bánh dễ bóc hơn.

Để mỗi chiếc bánh gai đạt chất lượng, nguyên liệu chính là bột và nhân bánh thôi chưa đủ mà chính nguyên liệu lá chuối cũng rất quan trong việc quyết định đến hương vị của sản phẩm. Lá chuối dùng làm bánh gai phải là lá chuối tiêu khô già tự nhiên trên cây chứ không phải lá chuối tươi được đem đi phơi nắng như nhiều người lầm tưởng. Loại lá khô nắng tự nhiên sẽ giúp cho lá có độ dai và mang đến mùi thơm đặc trưng cho bánh.

Có dịp về thăm làng nghề bánh gai Tứ Trụ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ ngồi quây quần gói bánh. Vị ngọt thơm của bánh tỏa ra khiến thực khách khó có thể kìm lòng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa: “Toàn xã có hơn 40 hộ thuộc làng nghề chuyên sản xuất bánh gai, nhưng mỗi khi vào dịp Tết Nguyên đán thì có khoảng 100 hộ làm nghề. Tháng 1/2020, làng nghề bánh gai Tứ Trụ đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, mở ra cơ hội lớn cho quê hương Thọ Diên”…

Vừa thoăn thoắt nặn bánh, vừa mời khách ăn thử mẻ bánh mới ra lò, chị Đặng Thị Hường (làng Mía, xã Thọ Diên) - chủ cơ sở sản xuất bánh gai gia truyền Tuấn Hường cho biết: "Người dân làng Mía nhờ làm bánh mà cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Giờ nhiều người biết đến thương hiệu bánh gai Tứ Trụ làng Mía nên thương lái đặt hàng cũng ngày một nhiều hơn. Hai tháng cận Tết, ngoài 5 nhân khẩu trong nhà, gia đình tôi phải thuê thêm nhân công để kịp cho các đơn hàng”…

Cũng từ chia sẻ của một số hộ gia đình làm bánh gai truyền thống, chúng tôi nhận ra rằng: Đặc thù lao động làm nghề bánh gai là cần bàn tay lao động khéo léo, tỉ mỉ, tuân thủ quy trình làm bánh. Làm bánh gai không cần nhiều sức lực nhưng phải cần mẫn, siêng năng, chịu khó tiếp thu học hỏi kinh nghiệm.

Hiện nay, bánh gai Tứ Trụ đã có mặt ở hầu hết các thị trường trong và ngoài tỉnh với giá bán phổ thông từ 4.000 – 7.000 đồng/chiếc. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những chiếc bánh gai Tứ Trụ chính là thứ quà không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình làng Mía nói riêng và người dân xứ Thanh nói chung. Đây cũng là món quà bình dị nhưng ấm tình quê mà mọi người trao gửi cho nhau nhân dịp Xuân về.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu