17:35 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề Việt “thay da đổi thịt” nhờ công nghệ số

18:11 01/01/2022

(THPL) - Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh giờ đây không còn xa lạ đối với nhiều làng nghề truyền thống của Việt Nam. Công nghệ số tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời mang lại sự trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng và sức lan tỏa kì diệu cho sản phẩm thủ công truyền thống.

Vượt “bão COVID - 19” nhờ công nghệ số

Làng nghề mộc truyền thống thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ Quốc Oai, Hà Nội), vốn có lịch sử hơn 200 năm nay. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện cả xã có gần 150 xưởng sản xuất đồ gỗ. Sản phẩm mộc Ngọc Than rất đa dạng, phong phú bao gồm: đồ gỗ dân dụng giường, tủ, bàn ghế..., đồ thờ là hoành phi, câu đối, án gian, cửa giữa... và đặc biệt là nhà gỗ truyền thống, sản phẩm đòi hỏi tay nghề thợ rất cao.

Suốt bao năm, cũng giống như các làng nghề khác trên khắp cả nước, việc sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn theo lối truyền thống nên sự phát triển của làng nghề mộc Ngọc Than chưa thực sự hiệu quả tương xứng với tiềm năng.  Nhận thấy điều này, anh Đỗ Tiến Vững, sinh trưởng trong gia đình 4 đời làm nghề mộc, quyết tâm thay đổi cách làm, mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ dân dụng cao cấp Vững Tiến.

Anh Vững dần chuyển đổi sản xuất thủ công sang sử dụng máy móc tân tiến điều khiển bằng công nghệ số. Do mẫu mã sản phẩm được thiết kế bằng máy tính nên rất đa dạng, phong phú, chính xác, sắc nét. Sản phẩm khi thi công cũng sử dụng thiết bị cắt tiện, phun sơn.... bằng robot nên năng suất tăng gấp cả chục lần so với làm thủ công, đồng thời bảo đảm độ chính xác, đồng đều, chất lượng cao.

 Anh Đỗ Tiến Vững, chủ doanh nghiệp Vững Tiến bên giàn máy tiện điều khiển bằng công nghệ số. Ảnh: A. Đạt

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm thị trường nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm nên cơ sở Vững Tiến không bị phụ thuộc quá nhiều vào một đơn vị cung cấp nguyên liêu hay đơn vị bao tiêu sản phẩm như trước đây. Sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với khách hàng thông qua các ứng dụng Zalo, Facebook, sàn giao dịch thương mại điện tử..... Quy trình quản lý, vận hành doanh nghiệp trở nên đơn giản, tinh gọn và hiệu quả vượt trội so với cách quản lý giấy tờ thủ công.

Chia sẻ về sự thay đổi ngoạn mục trong hiệu quả kinh doanh kể từ khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào vận hành doanh nghiệp, anh Vững hồ hởi: “Trong 5 năm trở lại đây, doanh thu của Vững Tiến năm sau so với năm trước tăng đều đặn từ 30% trở lên. Khách hàng giao dịch, tương tác qua kênh online tăng mạnh. Chúng tôi nắm bắt, giải quyết yêu cầu của khách về mẫu mã, chất lượng... rất nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Cũng nhờ áp dụng công nghệ số mà trong 2 năm qua, mặc dù đại dịch COVID – 19 càn quét nhưng doanh nghiệp vẫn phát triển tốt.

Nhờ máy móc hiện đại, yêu cầu của khách về mẫu mã, chất lượng... giải quyết rất nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Ảnh: A. Đạt

Doanh nghiệp Vững Tiến không phải là duy nhất trong gần 150 cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Ngọc Than áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt kết quả tăng trưởng đáng kể. Các hội viên trẻ trong “Hội làng nghề đục chạm gỗ cao cấp – mộc dân dụng thôn Ngọc Than” là những nhân tố tích cực hỗ trợ hoạt động kết nối, đào tạo các thành viên trong Hội tiếp cận, sử dụng công nghệ. Nhờ công nghệ, các thành viên Hội dễ dàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mở rộng thị trường, phương pháp điều hành, quản lý doanh nghiệp, cùng giúp nhau tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là vượt qua “cơn bão COVID – 19” mà sản xuất, kinh doanh không bị ảnh hưởng trầm trọng.

Cũng như làng nghề mộc Ngọc Than, nhiều doanh nghiệp ở làng nghề gốm Bát Tràng thời gian qua đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kết hợp kinh doanh truyền thống với kinh doanh online trên, linh hoạt, chủ động tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử.... Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất và sản phẩm của làng nghề được tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo đến với đông đảo khách hàng.

Nghệ nhân Nguyễn Trung Thành, người sáng lập thương hiệu nổi tiếng Gốm Gia tộc Việt chia sẻ: "Nhờ áp dụng không gian mạng, công nghệ số, sản phẩm của chúng tôi được giới thiệu khắp nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian. Khách hàng được trải nghiệm, thăm khu trưng bày trên không gian ảo sống động như thật mà không cần phải đến tận nơi. Điều này khiến khách hàng vô cùng thích thú, hiệu quả kinh doanh nhờ đó cũng tăng. Mỗi sản phẩm của Gia tộc Việt được gắn mã truy xuất nguồn gốc, khách hàng hoàn toàn có thể tra cứu dễ dàng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái”.

Việc thay đổi phương thức kinh doanh, từ giới thiệu sản phẩm qua không gian mạng, bán hàng trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ tăng đáng kể. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 của xã Bát Tràng ước đạt 6.545.659.371 đồng, bằng 91,51% dự toán huyện giao. Bên cạnh đó, từ một xã báo động đỏ về ô nhiễm khí thải, bụi và phụ phẩm sau sản xuất là chất thải rắn, đến nay nhờ áp dụng kỹ thuật mới, Bát Tràng đã khắc phục được cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường; chất lượng, giá trị sản phẩm được nâng cao.

Vẫn còn lắm gian nan

Thành tựu to lớn của công nghệ 4.0 mang lại, đặc biệt, vai trò của công nghệ 4.0 càng được khẳng định khi “bão COVID -19” càn quét khắp thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị tại các làng nghề Việt Nam vẫn đang ở bước sơ khai, số lượng các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong kinh doanh ở làng mộc Ngọc Than hay làng gốm Bát Tràng  hay nhiều làng nghề trên cả nước còn khiêm tốn.

Cuộc cách mạng này là cách mạng về tư duy chứ không đơn thuần là áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.

Yếu tố tiên quyết để chuyển đổi thành công nghệ số là con người. Nhân sự trong mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở làng nghề không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa, sứ mệnh sâu sắc của cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này là cách mạng về tư duy chứ không đơn thuần là áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Đó là sự bứt phá khỏi những tư duy an toàn, lối mòn suy nghĩ. Đồng thời, nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản, toàn diện về công nghệ để xây dựng, vận hành chuỗi giá trị từ ứng dụng công nghệ 4.0 là không hề đơn giản.

Ngoài ra, đầu tư công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ chi phí không nhỏ để duy trì, vận hành.

Do đó, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh thông tin đơn thuần hoặc qua mạng xã hội cho nên hiệu quả chưa cao.

Cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình số trong phát triển sản xuất, kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế  cao, vai trò chủ động của mỗi doanh nghiệp là mấu chốt. Bên cạnh đó, rất cần có sự hướng dẫn, đào tạo cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước để các làng nghề áp dụng công nghệ bài bản, chủ động hơn nữa.

Phan Dung

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu