06:52 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

'Làng đèn ông sao' Báo Đáp hối hả vào mùa trung thu

14:25 04/08/2022

(THPL) - Nghề làm đèn ông sao tại làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) đã có từ rất lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ các cụ già cho đến những em nhỏ cũng có thể tự hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao.

Cuộc sống ngày càng hiện đại với vô số đồ chơi ngoại nhập bắt mắt, nhưng hình ảnh chiếc đèn ông sao đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của mỗi người trong đêm rằm trung thu. Món đồ chơi giản dị này là một nét truyền thống văn hóa không thể thay thế.

Vài năm trở lại đây, khi người dân quay lại với các loại đồ chơi truyền thống thì đèn ông sao lại một lần nữa "lên ngôi".

Theo báo Lao động, anh Đỗ Tuấn Linh (trú xóm 8, thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang) tâm sự: “Hiếm có miền quê nào của tỉnh Nam Định lại được đón tết trung thu sớm như ở Báo Đáp. Cách Rằm tháng Tám chừng một tháng, thương lái đã đổ về gom hàng. Ai yêu thích đồ chơi trung thu truyền thống mà tìm về đây thì đều được coi là người nhà”.

Vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm có tre nứa, giấy bóng kính và xương cây đay làm cán. Không giống như các sản phẩm khác, đèn ông sao của làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công.

Để làm được một chiếc đèn ông sao thì ban đầu người thợ phải xác định được kích thước của đèn, sau đó bắt đầu lên khung, dán giấy bóng kính và sau cùng là vẽ trang trí. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ. 

Cũng theo anh Linh, để làm ra những chiếc đèn ông sao đẹp, bắt đầu từ tháng Giêng, người dân thôn Báo Đáp phải tìm mua những cây nứa, cây vầu từ khắp các tỉnh như: Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn… Rồi phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín”. Có như thế nan đèn mới có đủ độ dẻo, khi uốn chiếc đèn sẽ căng phồng, không bị gãy.

Làng đèn ông sao Báo Đáp hối hả vào mùa trung thu. Ảnh: Internet

Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin thêm, đèn ông sao được chia làm 3 loại, loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm. Do kích cỡ đèn khác nhau nên khi chẻ nan, người thợ phải phân loại rõ ràng.

Phần vòng ngoài cùng của đèn được làm từ những nan tre mảnh được quấn tua rua giấy nhuộm các màu tươi sáng, rực rỡ. Giấy bóng màu được cắt thành những cánh sao đều tăm tắp để sẵn thành từng bó. Người thợ chỉ cần quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận sao cho vừa mà cánh không bị bong.

Đặc biệt người dân làng thường sử dụng bột gạo để dán đèn. Theo các cụ trong làng, bột gạo được được nấu theo những công thức riêng sau khi quét lên thân tre sẽ giúp chiếc đèn bền hơn và rất an toàn cho trẻ nhỏ.

Trong số những người làm đèn ông sao tại làng Báo Đáp thì anh Nguyễn Văn Tùng (SN 1991) thuộc thế hệ sau nhưng anh cũng là người tích cực nhất trong việc quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương. Anh Tùng lập trang web và fanpage trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, giúp những chiếc đèn ông sao truyền thống của làng được biết đến nhiều hơn ở khắp các tỉnh thành.

Hai năm vừa qua, dịch COVID-19 đã khiến cho chiếc đèn ông sao của Báo Đáp “chật vật” tìm đầu ra. Nhưng năm nay thì khác, thương lái đã về từng nhà tìm mua đèn để vận chuyển đi các tỉnh phía Nam, khiến những người còn nặng lòng với tết trung thu truyền thống vô cùng hứng khởi.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu