08:53 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Huổi Hu ngàn sâu

Tuấn Việt | 06:55 22/03/2019

(THPL) - Sông Mã, mùa cạn, sự hiền hòa chia bờ con nước tạo kỳ ảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ. Chiếc cầu cheo Bản Kéo, Pá Nậm vắt ngang như một thực thể của sự sống kết nối nền văn minh hơn với nghèo nàn. Huổi Hu ẩn hiện sâu triền núi. Những sâu tình để lại…

Đây là lần thứ hai tôi tới huyện Điện Biên Đông kể từ ngày tách từ huyện Điện Biên thời những năm 1995 thế kỷ trước. Lúc đó, tôi đã nghe nói tới xã Chiềng Sơ, một xã đại nghèo bên dòng Sông Mã, với dân tộc Xinh Mun, hay còn gọi là người Pụa, dân tộc có lẽ thuộc nhóm ít người nhất của cộng đồng 54 anh em người Việt. Sự kém duyên bởi đường xá khó khăn thời đó khiến tôi chưa thể đặt chân lên đất đại ngàn sâu mà nhà thơ Quang Dũng đã từng nhắc đến trong vần thơ hùng tráng Tây Tiến của mình. Sự khắc khoải chờ mong, có lẽ thẩm thấu trong tôi trong suốt chuyến đi này.

Huổi Hu ẩn hiện sâu triền núi.

Cô giáo Huệ, Hiệu trưởng trường tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, chuyến thiện nguyện tới Chiềng Sơ có khởi nguồn từ một tờ A4 thư ngỏ của phòng giáo dục huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Các cô giáo nơi đó đang khẩn thiết về một điểm trường mầm non cần được xây dựng mới tại bản Huổi Hu, thuộc xã Chiềng Sơ huyện Điện Biên Đông, nơi có tới 99% là hộ nghèo. Trình độ dân trí thấp của bà con thấp lắm. Các con mẫu giáo khi đông về, quẩn quanh trong một túp lều rách nát, lần lữa tồn tại, lần lữa bữa no bữa đói. Chính vì vậy, trong năm vừa qua nhà trường tiểu học Chu Văn An đã phát động phong trào đùm bọc thân ái, quyên góp nguồn kinh phí giúp đỡ các bạn học sinh nghèo từ các con, từ phụ huynh của các con. Số tiền hơn 150 triệu đồng lần này để xây điểm trường mầm non có lẽ chưa đủ cho một ngôi nhà đúng nghĩa. Nhưng sự gửi gắm chia sẻ mái ấm tình thương ấy, là sự chia sớt sâu sắc với các con vùng cao, bớt đi giá lạnh, cực khổ ngày đông giá rét.

Chuyến thiện nguyện tới Chiềng Sơ...

Từ thị trấn Sông Mã, đây cũng là tuyến đường “dễ đi” nhất từ Hà Nội lên, chiếc xe 9 chỗ chở chúng tôi ì ạch gần 3 giờ đồng hồ, vắt vẻo theo con sông huyện thoại, trên những triền núi quanh co hiểm trở, bên núi bên vực. Cách đây ít năm, khi con đường liên xã này chưa hình thành, “ra huyện”, cụm từ ám chỉ huyện Điện Biên Đông, hay thị Trấn Sông Mã, khoảng trên dưới 60 km về phía nào cũng vậy, bà con phải mất cả ngày, bởi đường xấu, bởi địa thế nhiều khúc cua nguy hiểm. Tuy đến nay con đường đã được xây dựng gia cố thêm khiến đi lại dễ dàng hơn, song cũng vẫn vậy đá sỏi, gồ ghề, sống trâu, xóc nảy nắp.

Sự chia sớt sâu sắc với các con vùng cao, bớt đi giá lạnh, cực khổ ngày đông giá rét.

Xã Chiềng Sơ nằm sát đường cái. Một số ngôi nhà bản nghèo xơ tụ quanh đây tạo cảm giác cụm dân cư chiều muộn. Chủ tịch xã Lò Văn Dũng bảo, Chiềng Sơ xã nghèo nhất huyện còn Huổi Hu nghèo nhất Chiềng Sơ. Xã và bản chia cắt bởi dòng sông Mã. Sự kết nổi duy nhất hiện này chỉ là chiếc cầu cheo Bản Kéo Pá Nậm. Chiếc cầu ọp ẹp, run lên, nhún nhảy theo nhịp bước chân của người dân bản hay ít ỏi xe máy nào đó qua lại. Đây cũng là con đường độc đạo vùng cao duy nhất tới không chỉ Huổi Hu, cách đó khoảng 4 km đường rừng. Cầu có mệnh hệ, Huổi Hu và nhiều bản là cô lập.

Một lớp học mầm non được che bằng tấm phên nứa có lẽ nhiều năm tuổi này vừa là chỗ ăn, vừa là chỗ nằm cho các con.

Bốn tấm phản gỗ lắp vội vàng dưới sàn đất núi trong túp lều trống trơn rộng chừng 15 hay 16 mét vuông gì đó. Túp lều không cửa sổ mà chỉ duy nhất một góc ra vào được che bằng tấm phên nứa có lẽ nhiều năm tuổi. Tường lều, điều làm tôi nhận ra đây được gọi là một lớp học mầm non, được trang trí hoa và con vật. Ánh sáng len lói chiều đông không rõ.

Cô giáo Yến bảo, tấm phản 4 miếng này vừa là chỗ ăn, vừa là chỗ nằm cho các con. Lều kín để tránh gió. Đông về lạnh lắm, các con quấn chăn bên bếp lửa qua ngày.

Điểm trưởng mầm non Huổi Hu là một trong 37 điểm trường của xã Chiềng Sơ, nằm quẩn quanh trong núi. Huổi Hu chưa phải điểm trường xa nhất như Thẳm Chẩu hay Háng Tầu, song lại là điểm bản đặc biệt, của người dân tộc Xing Mun, tộc ít người nhuộm răng đen thích gia vị mặn. Tỉnh Điện Biên có khoảng 2.000 người Xing Mun sinh sống. Chiềng Sơ chiếm non nửa. Huổi Hu chiếm non nửa.

Điểm trưởng mầm non Huổi Hu là một trong 37 điểm trường của xã Chiềng Sơ, nằm quẩn quanh trong núi.

Người Xing Mun, giống như người La Hủ ở Lai Châu, hay gọi người Lá vàng rơi, thường sống du mục trên núi cao các tỉnh miền núi phía Bắc. Những năm gần đây, nhà nước quy tập người dân vào từng khu vực, tạo công cụ sản xuất, mong muốn giúp người dân đủ ăn và dần thoát nghèo. Song, vì dân trí thấp, vì sự chia cắt của địa hình đồi núi, người Xing Mun Huổi Hu vẫn cứ nghèo như vậy. Những mái sàn sơ xác trên triền núi. Bố mẹ ngàng ngày hái lượm, làm rẫy còn không đủ ăn nói gì đến con nhỏ. Lũ trẻ a ê bụng réo lên từng hồi. Chủ tịch xã Dũng nói tiếp, toàn xã Chiềng Sơ một năm thu được chừng 30 triệu đồng từ tư liệu sản xuất thì nguồn hỗ trợ cho không chỉ Huổi Hu đã gấp bội phần. Các con ở các điểm trường chủ yếu sống một phần từ nguồn lương thực hỗ trợ từ vùng thấp nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu thực tế hàng ngày. Trên này, nếu không có kế hoạch chuẩn bị dài hơi, cái đói luôn ẩn trực.

Thấm nghèo, với tôi, vượt lên sự hiểu biết về vùng cao, sự nhìn nhận khách quan về nghèo khó, là ray rứt chua xót, là sự mường tượng nếu rơi vào số phận kiếp người này, liệu từ bé con bặm bụi kia tới khi trưởng thành, thoát nghèo có lẽ sẽ chỉ như câu chuyện cổ tích của thần sông thần núi? Dòng sông Mã hun hút cuồn cuộn. Sâu thẳm góc rừng, người Xing Mun tồn tại như cái lý nghèo không lời giải.

3.Ngôi nhà mới, điểm trường mầm non được xây dựng từ nguồn kinh phí quyên góp của các con tiểu học Chu Văn An dưới xuôi nằm sát kề mái lều xưa ọp ẹp. Cô giáo Yến, hiệu trưởng Huổi Hu tiếp nhận gạo và dầu ăn từ doanh nghiệp Hapro Hà Nội nghẹn ngào về sự ấm tình tương ái. Huổi Hu sâu biết mấy. Những hạt gạo sẻ chia đem vào tới nơi sâu tình biết mấy. Một gian nhà dựng lên, giúp trẻ nhỏ bớt gian khó, vượt trên nhiều những giá trị vật chất, những nghĩa cử cao đẹp.

Sắc trời gần tối, lũ trẻ nhỏ chia nhau những hộp sữa hãn hữu thấy ở vùng này. Cô giáo Huệ bảo, các kế hoạch nhỏ của các con tiểu học vun vén lên đây cũng không đủ giúp các con vùng cao thêm no mùa cuối vụ. Huổi Hu, người dân tộc Xinh Mun cần nhất công cụ sản xuất. Bà con phải tự thoát nghèo trên mảnh đất ngàn sâu này. Ý nghĩa đó mới thực bền chặt.

Sông Mã, mùa cạn, sự hiền hòa chia bờ con nước tạo kỳ ảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ. Huổi Hu ẩn hiện sâu triền núi. Những sâu tình để lại… Có một Huổi Hu nghèo như thế.

Tuấn Việt

Bình luận

Bình luận

Lê Hiệp

Một chuyến đi đầy ý nghĩa và nhân văn. Những con người nơi đây đây sống tự nhiên như cỏ cây. Cái nghèo đeo bám. Con chữ cũng nhọc nhằn. Tuy món quà còn nhỏ bé nhưng gióp phần che mưa che nagws cho các e bé nơi đây. Cảm ơn nhà Báo Tuấn Việt đã viết lênnhungw sâu thẳm trong cuộc sông nơi Huổi Hu. Mong sao sẽ còn nhiều tấm lòng hảo tâm sẽ đến với bà con nơi đại ngàn này!

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu