03:18 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hơn 77 triệu USD vốn FDI rót vào bất động sản trong tháng 1

| 09:01 07/02/2018

(THPL) - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, trong tháng đầu tiên của năm 2018, lĩnh vực bất động sản thu hút 77,6 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng trong tháng 1, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt 1,255 tỷ USD. Tuy nhiên, số này chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 10,5%.

Lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều nhất trong tháng 1 tiếp tục là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn xấp xỉ 909 triệu USD, chiếm 72,4% tổng vốn đầu.

Bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, chiếm 7,2% và kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 77,6 triệu USD, chiếm 6,2%.

bat dong san-0b30a
Chỉ một tháng đầu năm 2018, bất động sản đã thu hút 77,6 triệu USD. (Ảnh minh họa)

Hàn Quốc trở thành nền kinh tế đổ nhiều tiền nhất vào các dự án đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2018 với hơn 355,6 triệu USD, chiếm 28,3% tổng vốn đầu tư. Theo sau là Singapore với 199 triệu USD vốn, chiếm 15,8%, và Hong Kong xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 147,4 triệu USD, chiếm 11,7%.

Trong tháng đầu tiên của năm mới, TP.HCM là địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với hơn 306,2 triệu USD, chiếm hơn 24% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1. Theo sau là Hải Phòng và Bình Dương với số vốn nhận được lần lượt 181,3 triệu USD và 168,1 triệu USD.

Một số dự án mới được cấp phép trong tháng 1 vừa qua phải kể tới dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam (cấp phép năm 2009) tăng vốn 120 triệu USD; dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology (cấp phép năm 2016) tăng vốn 100 triệu USD.

Một số dự án được đầu tư mới như Nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định (vốn đầu tư 80 triệu USD) do nhà đầu tư Singapore đầu tư hay Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam (vốn đầu tư 70 triệu USD của nhà đầu tư Na Uy.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 1 vừa qua, Việt Nam chỉ có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư vỏn vẹn 6,46 triệu USD.

Trong đó, chiếm hơn 80% trong đó là 3 dự án bán buôn bán lẻ (tổng vốn 5,17 triệu USD), 3 dự án còn lại thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tại các thị trường chính như Canada, Campuchia, New Zealand, CHLB Đức, Belize, Myanmar.

Như vậy, tính đến ngày 20/1, các nhà đầu tư ngoại đã rót tiền vào 19/21 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 187,1 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư. Kinh doanh bất động sản cũng đã hút của các nhà đầu tư ngoại tổng cộng 53,2 tỷ USD, chiếm 16,6%.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót tổng cộng 58,1 tỷ USD vào Việt Nam, Nhật Bản rót 49,46 tỷ USD, xếp lần lượt phía sau là Singapore, Đài Loan, Britishvirgin Island và Hong Kong. 

Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam đem lại rất nhiều lợi ích, khi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại một nguồn lực phát triển bổ sung, giúp đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trưởng của Việt Nam so với nếu chỉ có riêng dòng vốn nội địa tham gia. Nền kinh tế sẽ được hưởng lợi thuần túy từ sự hiện diện của một dòng vốn lớn.

Thứ hai, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc, giúp đưa thị trường Việt Nam đến gần hơn với các nước phát triển trong khu vực.

Thứ ba, việc thị trường trở nên đa dạng về thành phần tham dự sẽ hỗ trợ cho sự phát triển để trở thành một thị trường bền vững.

Các ý kiến và quan điểm cũng như chiến lược ngắn và dài hạn khác nhau từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước là một yếu tố quan trọng để đem lại sự cân bằng về cách đầu tư, sản phẩm và thanh khoản tốt được tạo ra cho các thương vụ M&A, hợp tác phát triển, từ đó thị trường có thể tăng trưởng một cách khỏe mạnh.

Thứ tư, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, cả lĩnh vực phân phối và phát triển, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà khi các công ty phải luôn trong một áp lực phát triển từ một thị trường lớn, từ đó phải tích cực luôn tìm kiếm cho mình các giải pháp mới, không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm.

Thứ năm, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung vào khu vực phát triển bất động sản.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu