01:25 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Luật Tố cáo

| 17:18 08/11/2017

(THPL) - Sáng nay (8/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Bên cạnh hai hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp, dự Luật này bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.

Theo báo VOV, ủng hộ bổ sung hình thức tố cáo qua email, điện thoại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh “ta đang ở thời đại công nghệ 4.0 sao Luật lại đặt cái đó ra bên ngoài”.

“Nhiều khi người dân nhắn tin có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, nói việc này việc kia chuyển các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo kiểm tra, trả lời cho tôi. Cái đó được quá ấy chứ, tin nhắn rất rõ ràng!” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cũng nhận được những tin nhắn như thế và bà đều chuyển cho các cơ quan chức năng. Và mới ngay chiều qua, bà đã chuyển phản ánh về việc người dân 3 lần gửi đơn tố cáo về việc thu hồi đất và tài sản của họ chưa đúng nhưng đến nay Chủ tịch tỉnh đó chưa giải quyết. 

chu_tich_quoc_hoi_bslk
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Mình phải có trách nhiệm với dân". Ảnh: Infonet

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trên thực tế ta khai thác chính quyền điện tử ở nhiều mặt, nếu không sử dụng các công cụ này để phục vụ cho tất cả hoạt động của Nhà nước và người dân thì lại là vấn đề không bình thường.

Theo ông Phạm Minh Chính, thường người đứng đắn bao giờ cũng có đăng ký đàng hoàng nên việc xác minh tin nhắn không khó. Cũng có nhắn tin có tên tuổi địa chỉ rõ ràng nhưng dùng “sim rác”, song nội dung vẫn hoàn toàn chính xác. Do đó phải biết phân loại, sàng lọc để chỉ đạo, xử lý cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

Trước đó, theo báo Infonet, báo cáo của Chính phủ tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tố cáo theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức).

Vì theo Tổng Thanh tra Chính phủ thì Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi họ đang là cán bộ, công chức, viên chức.

Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng, khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới là xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo). Vì vậy, khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan.

Do đó, tuy không cần ghi ngay tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong Luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức như đã thể hiện tại khoản 4 Điều 12 của dự thảo Luật là phù hợp.

Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm thẩm quyền giải quyết đối với loại tố cáo này cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện cho quá trình xác minh, kết luận và xử lý người vi phạm, bởi có những trường hợp người bị tố cáo đã chuyển qua nhiều cơ quan, tổ chức, vị trí công tác khác nhau.

Cho ý kiến về nội dung này, ĐB Ngô Tuấn Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh)  cho rằng, nếu đưa vào luật việc giải quyết đơn tố cáo với người đã về hưu sẽ rất phức tạp và sẽ  tạo ra việc lợi dụng để hạ uy tín những cán bộ về hưu từng có cống hiến, có uy tín.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) cho biết: Luật Tố cáo chỉ áp dụng với người đang là cán bộ công chức, viên chức là phù hợp. Hơn nữa theo quy định tại điều 78, 79 của Luật Cán bộ công chức và điều 52 luật Viên chức thì hình thức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm cả kỷ luật bãi nhiệm, giáng chức, buộc thôi việc sẽ không thể áp dụng được với người nghỉ hưu.

“Nếu giải quyết vấn đề tố cáo với người về hưu. Đây là vấn đề khó đặt ra. Hệ thống pháp luật không thống nhất, không đảm bảo tính đồng bộ nếu như chấp nhận giải quyết tố cáo với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Nếu giải quyết tố cáo với người về hưu thì các luật khác cũng phải sửa và thống nhất để đảm bảo thi hành.

Vì vậy, tôi đồng ý với dự thảo luật là không điều chỉnh hành vi của công chức, viên chức xảy ra trong thời gian trước đây, nay đã nghỉ hưu”- ông Mão kiến nghị.

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu