08:26 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hôm nay 19/11 diễn ra nguyệt thực dài nhất trong 580 năm qua

Bảo An (tổng hợp) | 14:48 19/11/2021

(THPL) - Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng. Lúc này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ không được Mặt Trời chiếu sáng do bị che khuất bởi Trái Đất.

Hôm nay 19/11, người dân trên khắp thế giới sẽ được chứng kiến nguyệt thực một phần. Đây là lần nguyệt thực thứ 2 và cũng là nguyệt thực cuối cùng của năm 2021. 

Theo đó, đây là lần nguyệt thực dài nhất trong vòng 580 năm trở lại đây. Tổng thời gian diễn ra hiện tượng này là khoảng 3 tiếng 28 phút, dài hơn nhiều so với nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ năm 2018 với thời gian 1 tiếng 43 phút, theo báo Kinh tế và Đô thị. 

Theo các nhà khoa học, nguyệt thực toàn phần là khi Mặt Trăng bị bóng của Trái Đất che phủ hoàn toàn. Nếu chỉ có một phần của Mặt Trăng bị che mờ, người ta gọi đó là nguyệt thực một phần.

Hôm nay 19/11 diễn ra nguyệt thực dài nhất trong 580 năm qua. Ảnh: Internet

Theo thông tin trên trang Time & Date, ở lần nguyệt thực một phần này, tỷ lệ diện tích Mặt Trăng bị che phủ lên tới 97%, bởi vậy nó gần như tương đương với nguyệt thực toàn phần.

Hiện tượng nguyệt thực lần này có thể được quan sát tốt tại hầu hết các đảo thuộc Thái Bình Dương, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, hầu hết Australia, một phần châu Âu, châu Á và châu Phi. Trong đó, các đảo ở Thái Bình Dương và quốc gia Bắc Mỹ sẽ là những nơi có điều kiện tốt nhất để quan sát nguyệt thực.

Nguyệt thực sẽ bắt đầu diễn ra lúc 14 giờ 19 phút, đạt cực đại khoảng 16 giờ và kết thúc vào lúc 17 giờ 47 phút ngày 19/11 (giờ Hà Nội). Ở Việt Nam, phần lớn hiện tượng nguyệt thực diễn ra vào lúc trăng chưa mọc. Do vậy, dù là nguyệt thực dài nhất thế kỷ, người dân chỉ có thể quan sát một phần hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Tại Hà Nội, kể từ khi Mặt Trăng xuất hiện ở đường chân trời, người dân Thủ đô sẽ có khoảng 30 phút để quan sát giai đoạn cuối của nguyệt thực một phần.

Theo báo VTC News, còn tại TP.HCM, 17 giờ 26 phút Mặt trăng mới mọc và nó ở rất gần chân trời vào thời điểm đó. Do đó người dân tại đây cũng như ở khu vực phía Nam nói chung sẽ gần như không quan sát được hiện tượng này, trừ khi có góc nhìn thấp tới sát chân trời phía Đông. Độ che phủ cực đại ở khu vực này chỉ là 0,192 (19,2% đĩa sáng Mặt trăng nằm trong vùng bóng tối).

Mặc dù khoảng thời gian có thể quan sát và độ che phủ của hiện tượng lần này không cao đối với người quan sát ở Việt Nam nhưng đây vẫn là một hiện tượng thiên văn đáng chú ý.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu