18:30 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hòa Bình: Giữ gìn tinh hoa văn hóa tại làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Huyền Chi | 09:31 24/06/2022

(THPL) - Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của người Mường ở xã Yên Nghiệp, Lạc Sơn, Hòa Bình. Thông qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ vùng cao nơi đây, nhiều sản phẩm thổ cẩm được ra đời góp phần giữ gìn biểu tượng văn hóa truyền thống của người dân tộc trong tỉnh.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Nghề dệt thổ cẩm không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng nhiều thế hệ người con Mường sinh ra và lớn lên bằng lời ru bên khung cửi, tuổi thơ gắn liền với tiếng kẽo kẹt đạp chân của bà, của mẹ khi se tơ, dệt vải. Khi trưởng thành, dựng vợ gả chồng, người con gái phải tự chuẩn bị cho gia đình chồng mỗi người một bộ váy, áo để thể hiện tấm lòng của cô dâu mới.

Chăn, màn, đệm, gối… cho phòng tân hôn cũng do người con gái tự tay dệt với ngụ ý rằng, đôi bàn tay khéo léo sẽ biết chăm lo, vun vén cho gia đình êm ấm. Những tấm vải thổ cẩm cứ thế hiện diện trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Mường và trở thành nét đẹp truyền thống.

Theo chia sẻ của một số người phụ nữ trong làng: Sản phẩm dệt tại đây chủ yếu được sản xuất theo phong cách truyền thống bằng khung cửi. Năm 2018 chính quyền địa phương đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, chuyên sản xuất các sản phẩm thổ cẩm và cung cấp cho nhiều nơi như: Thanh Hóa, Nghệ An...

Với việc thành lập HTX Lục Nghiệp Thành đã và đang tạo ra môi trường sản xuất và hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu rủi ro trên thị trường kinh doanh đối với sản phẩm thổ cẩm.

Những tấm vải thổ cẩm cứ thế hiện diện trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Mường và trở thành nét đẹp truyền thống.
Các sản phẩm thổ cẩm của hợp tác Lục Nghiệp Thành đều được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Năm 2021, hợp tác xã (HTX) này được Nhà nước hỗ trợ chiếc máy dệt đầu tiên·và cũng là chiếc máy duy nhất được sử dụng đến nay để dệt các sản phẩm có kích thước như chăn, gối, khăn, đệm với số lượng lớn. Các sản phẩm được ưa chuộng tại đây không chỉ là những bộ trang phục dân tộc truyền thống, mà người phụ nữ Mường còn sáng tạo nên nhiều loại phụ kiện thổ cẩm như: túi, ví, mũ, thú bông với màu sắc sặc sỡ, đa dạng về mẫu mã, hoa văn.

Tại thời điểm hiện tại, HTX có hơn 200 người tham gia, sản xuất và tiêu thụ khoảng 27.500 sản phẩm thổ cẩm/năm. Trung bình các thành viên trong HTX có thể kiếm được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm của hợp tác đều được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Những ngày hè nóng bức, có mặt tại làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Yên Nghiệp, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người phụ nữ Mường ngồi bên khung cửi, dệt vải khi chiều về. 

Mặc dù, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nghề truyền thống tại đây không còn nhộn nhịp, sôi động như trước nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn ngày ngày tranh thủ tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi để dệt nên những tấm thổ cẩm đủ kích cỡ, nhiều màu sắc.

Chia sẻ với báo chí, ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có một số làng nghề, cơ sở còn giữ gìn và phát triển mạnh nghề dệt như: HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu), HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành (Lạc Sơn); làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc). Riêng tại HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, trong 3 tháng hè năm 2021 vừa qua đã dạy nghề dệt cho khoảng 50 học viên từ 16 tuổi trở lên biết dệt cơ bản.

Nỗ lực vượt lên khó khăn, bà con trong làng nói riêng và HTX nói chung luôn ý thức trong việc duy trì và giữ gìn nét tinh hoa thổ cẩm truyền thống và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Thậm chí, nhiều phụ nữ lành nghề còn cố gắng quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm bằng việc tham gia nhiều hoạt động văn hóa, tham gia giảng dạy ở những lớp  ngắn hạn do địa phương tổ chức, giới thiệu nghề dệt đến với du khách trong và ngoài nước…

Đến với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường ở xã Yên Nghiệp, chúng tôi không khỏi thích thú bởi các mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng các mẫu mã, chủng loại được bày bán ở khắp nơi. Hầu như ai có dịp đặt chân lên mảnh đất Hòa Bình du lịch, khi trở về đều không quên mua cho mình những món quà làm bằng thổ cẩm. Tuy món quà mộc mạc, dân dã nhưng mang đậm nét đẹp đặc trưng của nền văn hóa dân tộc vùng cao.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu