02:09 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề gốm Chu Đậu và câu chuyện thăng trầm cùng dòng chảy lịch sử

13:11 18/06/2022

(THPL) - Trong lịch sử tồn tại và phát triển của các dòng gốm cổ truyền ở Việt Nam, hiếm dòng gốm nào có số phận thăng trầm như gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương). Gốm Chu Đậu nổi tiếng tại Việt Nam có từ thế kỷ XIV – XV, nhưng do nhiều biến thiên lịch sử đã có lúc bị vùi sâu vào quên lãng. Theo thời gian, dòng gốm này được khôi phục và trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của gốm Việt, có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Nếu như TP. Hà Nội có làng nghề gốm Bát Tràng thì Hải Dương cũng tự hào với làng nghề gốm Chu Đậu. Làng gốm Chu Đậu là địa danh được nhiều du khách đến tham quan và khám phá dòng chảy lịch sử.

Theo lời kể của các nghệ nhân trong làng: Năm 1980, một cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trông thấy một chiếc bình gốm có hoa văn đặc biệt được trưng bày trong Viện Bảo tàng Takapisaray (thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), từ đó lai lịch của dòng gốm cổ Chu Đậu mới dần được phát lộ.

Từ dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (nghĩa là: “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ”) trên chiếc bình gốm, các nhà khoa học đã bắt tay vào điền dã, sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ.

Năm 1986, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ Chu Đậu và tìm thấy nhiều di vật cho thấy nơi đây từng là một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp của Việt Nam.

Không những thế, từ kết quả khai quật các con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và vùng biển Pandanan (Philippines) năm 1993 và 1997, các nhà khoa học đã phát hiện 340 nghìn hiện vật gốm Chu Đậu, trong đó có 240 nghìn hiện vật còn nguyên vẹn, minh chứng cho việc gốm Chu Đậu từng là mặt hàng được xuất khẩu rộng rãi từ nhiều thế kỷ trước.

Làng gốm Chu Đậu là địa danh được nhiều du khách đến tham quan và khám phá dòng chảy lịch sử.
Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt.

Về nguyên liệu để làm gốm Chu Đậu là đất sét trắng được lấy từ vùng Trúc Thôn (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đất sét sau khi lấy về sẽ được hòa trong nước, sau đó lọc qua hệ thống máng dẫn và bể ngắn.  Quá trình lắng lọc sẽ tạo ra hai hợp chất gồm lỏng và nhuyễn, thêm chất phụ gia rồi phối luyện thành hồ gốm.

Gốm được lắng lọc càng lâu thì màu gốm càng bóng, đẹp và trong. Đất sau khi được luyện kỹ, đạt độ dẻo, mịn cần thiết sẽ được người thợ chuốt nặn trên bàn xoay.

Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn đều được làm thủ công với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm. Điều này khiến cho gốm Chu Đậu không thể lẫn với các loại gốm khác.

Đặc biệt, một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt.

Hoa văn trên gốm Chu Đậu được trang trí theo phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau. Men gốm Chu Đậu được làm từ vỏ trấu, đa phần là men trắng trong, hoa lam, men lục, xanh nâu, tam thái.

Hiện gốm Chu Đậu chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với 3 dòng sản phẩm chính là hàng phục chế theo các mẫu gốm cổ, hàng gia dụng và hàng xuất khẩu. Trong đó, nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà.

Ngoài ra, những sản phẩm khác như: bình cúp Ngũ Hành, ấm rượu Rồng, hũ Hổ Phù… cũng là những sản phẩm làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu. Sản phẩm của làng gốm Chu Đậu được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được trưng bày tại 46 bảo tàng của 32 nước trong khu vực và trên thế giới.

Sản phẩm của làng gốm Chu Đậu được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được trưng bày tại 46 bảo tàng của 32 nước trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2019, làng gốm Chu Đậu được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là “Điểm du lịch làng nghề”.

Ghé thăm làng gốm Chu Đậu, chúng tôi như được đắm chìm trong không gian bình yên của một ngôi làng đồng quê Bắc Bộ, được thăm quan, tìm hiểu về quy trình tạo nên những sản phẩm gốm sứ lừng danh khắp bốn phương, được trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất, tạo dáng, vẽ, viết chữ, ký tên lên sản phẩm để làm kỷ niệm.  

Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng hơn cả chính các sản phẩm gốm ở đây có rất nhiều màu sắc và tinh xảo. Những bộ sưu tập gốm cổ, sản phẩm gốm đương đại khiến chúng tôi không khỏi thích thú và tò mò.

Năm 2019, làng gốm Chu Đậu được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là “Điểm du lịch làng nghề”. Cũng theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương từng chia sẻ: Để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến này, huyện Nam Sách cần chú trọng việc giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, phát triển tài nguyên du lịch; tạo điều kiện cho du khách tham quan, học tập, nghiên cứu; khuyến khích người dân địa phương tham gia phát triển du lịch cộng đồng; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch gắn với các điểm đến ở trong và ngoài tỉnh...

Sự phục hồi, phát triển của nghề gốm cổ kết hợp với phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn của làng nghề gốm Chu Đậu nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung đã và đang góp phần cho sự phát triển của ngành du lịch, khẳng định uy tín, quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu