02:41 ngày 07/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hòa Bình: Cam Lạc Thủy sắp có nhãn hiệu tập thể

07:05 06/11/2017

(THPL) - Sự kiện công bố nhãn hiệu tập thể và hội chợ cam Lạc Thủy sắp diễn ra từ ngày 12-14/11/2017. Điều này cũng ghi nhận những nỗ lực của người trồng cam trên địa bàn huyện sau bao năm gìn giữ và phát triển thương hiệu vùng cam ngọt.

UBND huyện Lạc Thuỷ (tỉnh Hòa Bình) có kế hoạch tổ chức lễ công bố, đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Cam Lạc Thuỷ và hội chợ cam được tổ chức trong 3 ngày từ 12-14/11 tại sân vận động trung tâm xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ, báo Hòa Bình đưa tin.

Hội chợ Cam Lạc Thuỷ với quy mô khoảng 60 gian hàng đại diện cho UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, các chủ trang trại, nhà vườn trồng cam trong huyện. Theo đó, UBND huyện đã thành lập ban tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thuỷ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban tổ chức, Chủ tịch UBND các xã thị trấn, Chủ nhiệm câu lạc bộ trồng cây có múi để lễ công bố thành công tốt đẹp.

Theo lãnh đạo UBND huyện Lạc Thuỷ, việc tổ chức lễ công bố đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm cam của huyện Lạc Thuỷ có mục tiêu giới thiệu sản phẩm cam Lạc Thuỷ đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, phục vụ cho việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ phát triển sản xuất.

dt_31120171635_666
Cam Lạc Thủy sắp có nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Báo Hòa Bình

Theo báo Công luận, huyện Lạc Thủy hiện có 996ha cây có múi, trong đó diện tích cam 668ha. Tính riêng diện tích cam được trồng mới kể từ năm 2015 đến nay là khoảng 465ha; trong đó, năm 2017 trồng thêm 213 ha.

Những vùng cam rộng lớn nhất của Lạc Thủy phải kể đến xã Liên Hòa có 214ha, xã Phú Thành 286ha, thị trấn Thanh Hà 140ha, Thanh Nông 50ha, Phú Lão 40ha. Hiện nay, trên 30% tổng diện tích cây ăn quả có múi vào thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân đạt 25 - 30 tấn cam/ha ở niên vụ 2016 - 2017.

Với giá bình quân 22.000 đồng/kg, người trồng cam đạt doanh thu từ 550 triệu đồng đến trên 600 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí 150 - 200 triệu đồng/ha, nông dân thu lãi 400 triệu đồng trở lên/ha.

Được biết, các hộ trồng cam ở Lạc Thủy đều áp dụng quy trình chăm sóc, sử dụng các chế phẩm sinh học, bón phân hữu cơ trộn với vôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Vũ Hùng Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lạc Thủy, về độ dinh dưỡng, độ ngọt của cam Lạc Thủy được đánh giá rất cao nhưng đến nay chủ yếu là tự sản xuất, tự tiêu thụ. Tới đây khi có thương hiệu, thị trường sẽ mở rộng trên phạm vi cả nước, giá cả cũng cao hơn. Vào cuối năm 2016, với quan điểm thúc đẩy phát triển thương hiệu, huyện đã xúc tiến quy trình xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cam Lạc Thủy với các bước xây dựng hệ thống nhận diện cho sản phẩm, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật và bảo quản cam Lạc Thủy, xây dựng hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể, đăng kỹ sở hữu trí tuệ mang nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thủy, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể và giới thiệu sản phẩm cam Lạc Thủy tại các cửa hàng nông sản. Hiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm cam Lạc Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH & CN chấp nhận và quyết định cấp nhãn hiệu tập thể.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu