05:26 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Làng nghề trồng cây cảnh và hoa giấy Phù Đổng vươn lên vượt khó, làm giàu

07:51 08/05/2022

(THPL) - Nằm ở phía Bắc huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng là một vùng đất cổ trong hành lang “tam Cổ” (Cổ Loa, Cổ Pháp, Cổ Bi). Cùng với đó, Phù Đổng còn sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch. Nổi bật nhất phải kể tới là nghề trồng cây cảnh và hoa giấy, đã được UBND huyện Gia Lâm công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề.

Theo chia sẻ của một số nghệ nhân làng nghề Phù Đổng: Phù Đổng là quê hương của Thánh Gióng, một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tại đây, hiện còn lưu giữ hệ thống di tích liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng với 10 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng gồm: Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, đình Hạ Mã, bãi Soi Bia...

Được hình thành cách đây hơn 20 năm, làng hoa giấy Phù Đổng chỉ có vài hộ theo nghề. Nhờ sự khéo léo của bàn tay, khối óc con người cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng phát triển, trở thành nghề chính. Hiện tại, cả xã Phù Đổng có tới 500 hộ trồng hoa giấy.

Không chỉ đơn thuần là trồng hoa giấy theo cách truyền thống, người dân Phù Đổng còn nhanh nhạy lai tạo, uốn ghép thành nhiều kiểu dáng khác nhau, thích ứng với nhu cầu chơi hoa của khách hàng.

Nhờ sự khéo léo của bàn tay, khối óc con người cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng phát triển, trở thành nghề chính. 
Những người nghệ nhân Phù Đổng còn biết uốn tỉa tạo dáng, tạo thế tròn, tay bông làm tăng thêm giá trị của cây hoa giấy.

Nhìn một cây hoa giấy nở với 5 - 7 loại màu khác nhau như: đỏ, hồng, trắng, cam, tím… khiến chúng tôi không khỏi ấn tượng về khả năng sáng tạo của người dân Phù Đổng. Bên cạnh đó, họ còn uốn tỉa tạo dáng, tạo thế tròn, tay bông làm tăng thêm giá trị của cây.

Đến với làng nghề trồng hoa Phù Đổng, du khách sẽ được thỏa thích ngắm nhìn một không gian yên bình, lãng mạn với đủ sắc màu của các loài hoa. Hoa bao trùm khắp xóm làng, hoa ngoài cánh đồng, hoa trong vườn, hoa trước cửa và hoa trang trí trong nhà.

Dù là bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng có thể ngắm hoa và chụp ảnh thỏa thích. Nhất là khi tiết trời vào xuân, khí trời mát mẻ, muôn hoa đua nở. Cả làng Phù Đổng như ngập tràn trong muôn sắc thắm của nghìn hoa khoe sắc.

Song song với đó, khi đến làng hoa giấy Phù Đổng, du khách còn được ghé thăm những mô hình nhà vườn, được chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh với đa dạng kích cỡ, thế dáng đặc sắc, độc đáo, hội tụ những tinh hoa của nghệ thuật và có giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, du khách được tham gia trải nghiệm thực tế vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa các loại hoa, cây cảnh để cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu, sự rèn luyện kham khổ và ý chí kiên trì thông qua những tác phẩm.

Những tác phẩm đó có thể phải trải qua rất nhiều năm tháng, cũng có thể đồng hành theo suốt cả cuộc đời của những người đã cống hiến cho nghệ thuật cây cảnh. Những tác phẩm cây cảnh được tạo tác theo thế tự nhiên như: cây dáng đổ, dáng trực, dáng hoành, dáng huyền… và theo các thế cây như: thế phụ tử nghinh phong, thế ngũ phúc, thế mẫu tử, thế huynh đệ…

Có dịp đến thăm làng Phù Đổng vào những ngày tháng 5, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh những vườn cây cảnh, hoa giấy nối liền nhau từ đầu làng đến tận chân đê. Nhiều xe tải nối đuôi nhau về tận xã để thu mua cây cảnh, cây hoa giấy phục vụ cho người dân các địa phương khác.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến (thôn Đổng Viên – xã Phù Đồng) đang chăm sóc cây cảnh

Nói đến nghề trồng cây cảnh, hoa giấy ở Phù Đổng thì sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến ông Nguyễn Bá Ngơi – một nghệ nhân có tiếng trong làng. Ông chia sẻ: “Với 26 hội viên ban đầu từ năm 1996, đến nay Hiệp hội làng nghề làm vườn sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng đã có hơn 200 hội viên cùng nhau hỗ trợ sản xuất. Hội đang trồng và kinh doanh rất nhiều loại cây cảnh, cây công trình… Nhờ cây cảnh, hoa giấy, đời sống người dân trong xã không ngừng nâng cao”.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng vườn cây cảnh của nhà mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến (thôn Đổng Viên – xã Phù Đồng) tự hào mà rằng: “Mỗi cây cảnh trong vườn nhà tôi giống như những đứa con tinh thần chứ không phải là cây cối vô tri vô giác. Để có được vườn cây cảnh như ngày hôm nay bản thân tôi đã phải vật lộn nhiều năm, có lúc phải đánh đổi cả gia tài, mồ hôi và nước mắt”.

Một không gian xanh với bát ngát những vườn hoa sắc thắm, cây cảnh, bonsai chen nhau nối liền từ làng ra tới tận chân đê. Màu xanh của cây, sắc màu của các loại hoa như làm tan biến đi những lo toan của cuộc sống thường ngày. Và có lẽ, cũng chính những sắc xanh này không chỉ làm đẹp cho khung cảnh làng quê, mà còn tạo ra những sản phẩm, cây cảnh đem lại giá trị kinh tế cao cho làng nghề truyền thống Phù Đổng.

Cuối năm 2020, xã Phù Đổng được UBND TP Hà Nội công nhận “Làng nghề hoa giấy Phù Đổng”. Ngay sau đó, UBND xã Phù Đổng đã xây dựng thương hiệu tập thể “Hoa giấy Phù Đổng” và đề xuất UBND TP đánh giá là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Từ năm 2021 đến nay, xã Phù Đổng tiếp tục quy hoạch xây dựng những mô hình chuyển đổi điểm gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn đồng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường.

Hết năm 2021, diện tích chuyển đổi của các hộ dân xã Phù Đổng là 258,89ha, trong đó có 116,36ha trồng hoa, cây cảnh; 142,53ha trồng cây ăn quả. Trong năm, đã có 17,42ha được chuyển đổi sang VA. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt 780 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả đạt 290 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Phù Đổng năm 2021 ước đạt 69,3 triệu đồng/người/năm. Xã đã hoàn thành 6/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đạt 12/16 tiêu chí xây dựng xã thành phường. Tháng 11/2021, xã Phù Đổng được UBND TP Hà Nội ban hành quyết định công nhận điểm du lịch Phù Đổng.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu