13:42 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề ươm tơ Cổ Chất: Nghìn năm gìn giữ nghề truyền thống

09:56 04/05/2022

(THPL) - Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề ươm tơ Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định) tồn tại và phát triển như một phần không thể tách rời khỏi lịch sử truyền thống và hiện đại của các làng quê Bắc Bộ. Đặc biệt với nghề ươm tơ truyền thống, làng Cổ Chất đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm tơ lụa, tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt.

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất kể lại rằng: Nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời Pháp thuộc, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh Cơ.

Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kì trước năm 1945. Năm 1942, triều đình nhà Nguyễn mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các địa phương.

Nghề tơ tằm ở Cổ Chất đã có từ lâu đời. 
Để tạo ra những bó tơ óng ả thì công đoạn ươm tơ đòi hỏi phải thật khéo léo. 

Thời gian đi qua, chiến tranh tàn phá nương dâu, lò ươm sụp đổ, thiên tai làm hư hại đất dâu tằm sông Ninh, nhưng cho dù bao phen thăng trầm của lịch sử thì tơ Cổ Chất vẫn là sản vật quý của tỉnh Nam Định xưa và nay.

Cũng theo chia sẻ của những người nghệ nhân trong làng: Để tạo ra những bó tơ óng ả thì công đoạn ươm tơ đòi hỏi phải thật khéo léo. Khi chọn kén phải chọn kén tốt, kén xấu là không thể đem ươm được. Sau 3 ngày khi kén thành nhộng thì đem xuống bếp ươm. Thoạt nghe thì sẽ tưởng dễ dàng nhưng phải khi được tận mắt chứng kiến công đoạn ươm tơ, bạn sẽ hiểu được sự kì công, khéo léo, tỉ mỉ quan trọng đến mức nào.

Công việc kéo tơ được thực hiện trong các xưởng, những thợ lành nghề tập trung lại thành từng nhóm. Đa phần những người kéo tơ là phụ nữ đủ mọi lứa tuổi. Cứ một người ngồi đảo kén, một người ngồi kéo tơ.

Kén tằm cho vào nồi nước đun sôi khoảng 70-80 độ C chứ không phải sôi quá 100 độ C, vì khi nước nóng quá thì tằm sẽ bị lấy cả tơ gốc, sợi tơ sẽ thô và không đều. Kén được đôi tay người thợ khỏa liên tục trong nồi nước rồi thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua những lỗ nhỏ rồi cuốn vào những con suốt chạy vào guồng tơ quay tít bắc ngang nồi nước và trở thành những con tơ.

Theo thời gian, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Những sợi tơ sau khi kéo sợi sẽ được đem ra phơi nắng. Màu nắng hòa cùng màu tơ khiến những bó tơ thêm óng ả. Bởi kĩ thuật ươm tơ kì công đến thế mà tơ Cổ Chất nổi tiếng đẹp và có chất lượng cao. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền, không dễ đứt và có màu sắc sáng bóng bắt mắt.

Những sợi tơ này sẽ dệt lên những tấm lụa mềm mại, những tà áo dài thướt tha tôn lên vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam, đồng thời những bó tơ chất lượng cũng được các lái buôn về tận làng đặt mua để xuất sang Thái Lan, Campuchia hay Lào.

Có dịp về thăm làng nghề ươm tơ Cổ Chất, không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh những bó tơ vàng óng ánh, sợi tơ trắng muốt được phơi cẩn thận trên những thanh sào tre. Xa xa là hình ảnh thân thương của chị em phụ nữ đang vắt những bó tơ vừa dệt. Tơ vàng hòa quyện dưới ánh nắng mặt trời đã tô lên một bức tranh vàng ươm sắc màu.

Theo thời gian, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng mà còn là tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống quý báu của địa phương đã không bị mai một.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu