02:32 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giữ hồn quê qua những chiếc nón lá Gia Thanh

Huyền Chi | 08:16 27/10/2021

(THPL) - Từ lâu, nón lá đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. Ngày nay, những chiếc nón lá xuất hiện nhiều hơn tại khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, trên những cánh đồng vàng hay những con hẻm nhỏ còn vương màu thời gian. Và hẳn trong số đó, sẽ có những chiếc nón lá được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân ở làng nghề Gia Thanh (Phù Ninh, Phú Thọ).

Cách Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khoảng hơn 20km, xóm Rền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh là vùng quê nức tiếng với nghề làm nón lá. Sở dĩ nón lá Gia Thanh có tiếng là vì bền, đẹp, với sự kỳ công, khéo léo của đôi bàn tay người nghệ nhân chịu thương chịu khó.

Theo các nghệ nhân trong làng kể lại: Nghề làm nón lá ở Gia Thanh có truyền thống gần 100 năm. Trong làng có tới trên 80% số hộ dân và nhân khẩu làm nghề đan nón, các em nhỏ từ 8 tuổi đến các cụ già trên 80 tuổi đều có thể cầm kim khâu nón.

Để làm hoàn thiện một chiếc nón lá, người làm phải thực hiện khoảng hơn 10 công đoạn từ khi mua lá về như: để ỉu, là lá, xây vành nón, quai nón, may nón, nức vành, mạng chóp, nức nón, cho tới khi nón được bán  tới tay người sử dụng.

Đặc biệt, một trong những công đoạn khó nhất là khâu. Nếu khâu không khéo lá sẽ rách, và khi lá rách thì không thể làm được. Bên cạnh đó, bàn tay người thợ khi cầm kim cần đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài, những đường kim thẳng tắp vừa cố định những vanh tròn và lá vừa như trang trí tạo sự độc đáo cho chiếc nón. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm, quang dầu phủ bên ngoài, làm cho màu nón trở nên trắng muốt và không bị mốc.

Nghề làm nón lá ở Gia Thanh có truyền thống gần 100 năm (ảnh: Trà My)
Để làm hoàn thiện một chiếc nón lá, người làm phải thực hiện khoảng hơn 10 công đoạn từ khi mua lá về (ảnh: Trà My)

Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân, chúng tôi nhớ lại chia sẻ của cụ bà Nguyễn Thị Tịch - người làm nón lâu năm ở xã Gia Thanh cho biết: “Một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo những khoảng cách đều tăm tắp. Với người làm nón chuyên nghiệp có thể làm được từ 2 đến 3 chiếc/ngày”. 

Năm 2016, làng nghề nón lá Gia Thanh được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề truyền thống. Trải qua quá trình hình thành, xây dựng, thay đổi và phát triển hàng nghìn năm, vùng đất Gia Thanh đã khoác trên mình diện mạo mới.

Mỗi chiếc nón lá làm ra đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng nghề đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trong xã.

Có dịp về thăm làng Rền và dạo quanh làng nghề nón lá Gia Thanh, không khó để thấy thấp thoáng đâu đó là hình ảnh các bà, các mẹ, các chị miệng cười nói còn tay thoăn thoắt đưa kim.

Dù trưa hè hay đêm đông, những người phụ nữ làng Rền vẫn miệt mài đưa nốt những mũi khâu còn dang dở để kịp mang tới buổi chợ phiên những chiếc nón mà khách hàng đã đặt, hay đơn giản chỉ là thói quen công việc như thế.

Khi cuộc sống hiện đại đã dần thiếu đi những đồ dùng xưa, nhưng nghĩ về chiếc nón, dường như ai ai cũng nhận thấy bên cạnh giá trị sử dụng thì ý nghĩa bản sắc văn hóa và biểu tượng truyền thống là những giá trị cần được gìn giữ lưu truyền hơn cả. Và phải chăng, chính nón lá Gia Thanh cũng đang góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng Rền, một sản phẩm đặc trưng của miền quê rừng cọ đồi chè.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu