21:07 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề nón lá Phú Châu: Nơi giữ gìn hồn quê đất Việt

09:59 18/11/2020

(THPL) - Từ xa xưa, nón lá đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. Ngày nay, những chiếc nón lá xuất hiện khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, trên những cánh đồng vàng hay những con hẻm nhỏ còn vương màu thời gian. Và hẳn trong số đó, sẽ có những chiếc nón lá được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân ở làng nghề Phú Châu, Ba Vì, Hà Nội.

Được biết, nghề làm nón tại xã Phú Châu bắt đầu hình thành từ năm 1939. Khi đó có một cô gái làng Chuông tên Phạm Thị Nhàn ở huyện Thanh Oai lấy chồng về xã đã mang theo nghề từ quê rồi truyền lại cho người dân trong làng. Đến nay, toàn xã Phú Châu có đến 90% các hộ làm nón, mọi người thường làm tranh thủ vào buổi tối hoặc lúc nông nhàn.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề làm nón về đây bén duyên và trở thành nghề sinh nhai. Trong nhiều năm qua, nghề làm nón Phú Châu tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề làm nón Phú Châu bén duyên và trở thành nghề sinh nhai 

Cũng theo các nghệ nhân lâu năm trong xã kể lại rằng: Để làm ra được một chiếc nón đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như chọn lá, làm vanh, giẽ lá, là lá, quay nón, nức, nhôi và sấy...

Nguyên liệu làm nón thường là lá đót được người dân nhập về từ các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Một chiếc nón đẹp đòi hỏi người thợ phải rất kỳ công từ cách chọn lá đến khi quay nón để làm sao không làm hở chúp, lá được xếp phẳng phiu không bị cộm.

Trước đây, làm nón tại Phú Châu chỉ là nghề phụ nhưng đến nay nghề làm nón lá đã giúp người dân trong làng có thêm thu nhập. 

Để làm ra một chiếc nón hoàn thiện công đoạn khâu nón được đánh giá là khó nhất trong các công đoạn làm nón bởi nếu không khéo tay thì dẫn đến lá bị rách, nón sẽ hỏng. Người nào khâu chắc tay chiếc nón sẽ bền và đẹp hơn.

Công đoạn cuối cùng để cho ra một chiếc nón thành phẩm, có độ bền và tránh bị mốc là người thợ sẽ mang chiếc nón đem hơ bằng diêm sinh để chiếc nón trở nên trắng, đẹp mắt.

Nếu trước đây, làm nón tại Phú Châu chỉ là nghề phụ nhưng đến nay nghề làm nón lá đã giúp người dân trong làng có thêm thu nhập. Đặc biệt, nón lá Phú Châu làm ra đến đâu được các thương lái đến tận nơi thu mua hoặc được bán tại chợ phiên của xã, và đã có mặt ở khắp các phiên chợ các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Phú Thọ...

Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 2 - 3 cái nón, nếu người làm thành thục có thể được 4 - 5 cái nón. 

Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 2 - 3 cái nón, nếu người làm thành thục có thể được 4 - 5 cái nón. Mỗi chiếc có giá từ 20.000 đến 50.000 đồng (tùy theo chất lượng). Tuy thu nhập từ làm nón không cao nhưng khá ổn định.

Nói về các nghệ nhân làm nón Phú Châu, ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Châu, Bà Vì, Hà Nội cho biết: “Nghề làm nón đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu cho nón lá Phú Châu không chỉ ở trong tỉnh, các tỉnh lân cận mà ra toàn quốc”.

Trải qua hơn 80 năm hình thành và phát triển, nón Phú Châu ngày càng được cải tiến và tạo nên nét đẹp độc đáo truyền thống nhờ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng nghề. Tuy có lúc thăng trầm, nhưng phiên chợ xã Phú Châu chưa bao giờ vắng bóng nón lá.

Tạm biệt những người dân xã Phú Châu, khi ra về, chúng tôi vẫn ấn tượng mãi với hình ảnh các bà, các mẹ, các chị ngồi quây quần dưới hiên nhà khâu nón lá. Khung cảnh đó để lại cho chúng tôi một cảm giác thư thái, bình yên nơi mảnh đất Ba Vì...

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu