14:07 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống Ba Đông gắn với du lịch

Huyền Chi | 09:32 12/10/2022

(THPL) - Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, nghề đan lát Ba Đông (xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đã và đang mang lại cuộc sống ổn định cho người dân. Dù trải qua không ít khó khăn, vất vả nhưng với sự gắn bó, tâm huyết của bao thế hệ đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống Ba Đông cho tới hôm nay.

Theo lời chia sẻ của một số nghệ nhân trong làng: Vào những năm 2005 - 2015 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của làng nghề đan lát Ba Đông, cả xã có tới hơn 300 hộ làm nghề. Vào thời điểm đó, đan lát đã trở thành nghề chính ở hầu hết các gia đình, sản phẩm không phải lo đầu ra, làm đến đâu có thương lái trực tiếp thu mua đến đấy.

Với điều kiện tự nhiên của thôn Ba Đông là vùng chiêm trũng, đến mùa nước ngập, cá tôm trong các cánh đồng nhiều, bà con đã mày mò học được nghề đan lát như lờ đánh cá, rậm đánh cá, đan lưới và giăng lưới để đánh bắt cá. Và có lẽ, cũng từ những vật vô tri vô giác của tự nhiên có sẵn trong vùng như cây tre, cây giang, cây nứa… bà con đã "thổi hồn" để thành những dụng cụ thủ công giúp cho việc đánh bắt thủy sản ngày được thuận lợi hơn.

Trung bình mỗi ngày một người đan giỏi có thể làm ra được 5 đến 8 sản phẩm tùy loại, giá bán trung bình từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng. Những gia đình có máy chẻ trong làng phải hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm để kịp cho người dân trong làng lấy về đan.

Vào những năm 2005 - 2015 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của làng nghề đan lát Ba Đông, cả xã có tới hơn 300 hộ làm nghề. 
Sản phẩm làm ra tại làng nghề Ba Đông không chỉ được tiêu thụ trong huyện mà còn phục vụ cho người dân đánh bắt tôm ở thượng nguồn sông Đà

Có dịp đặt chân lên mảnh đất Hoàng Xá, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh những sợi nan tre, nứa trải khắp từ con ngõ đến khoảng sân, góc nhà. Nghề đan lát luôn đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỷ mỉ từ công đoạn chọn nguyên vật liệu cho đến hoàn thiện sản phẩm.

Tre, nứa dùng để pha nan, làm cật phải là thân cây thẳng, không già quá, cũng không non quá. Để sợi nan dẻo dai hơn, sau khi pha nan, nan tre được ngâm qua nước, đem phơi khô. Sau cùng là công đoạn đan và hoàn thiện để tạo ra thành phẩm là những chiếc rổ, rá, hay các loại ngư cụ như chúm tôm, lờ cá… 

Kể từ khi Nhà nước xây dựng thủy điện Hòa Bình thì nghề đan chúm của thôn Ba Đông ngày càng phát triển mạnh. Sản phẩm làm ra không chỉ được tiêu thụ trong huyện mà còn phục vụ cho người dân đánh bắt tôm ở thượng nguồn sông Đà như: Hòa Bình, Sơn La. Nghề đan chúm mang lại thu nhập không nhỏ cho mỗi gia đình. 

Hiện toàn thôn Ba Đông chỉ còn trên 40 hộ gia đình duy trì nghề truyền thống. Mỗi năm làng nghề sản xuất và bán ra thị trường hàng triệu sản phẩm đan lát các loại, doanh thu bình quân đạt trên 2,6 tỷ đồng. Nghề đan lát đã giúp toàn thôn giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, không ít thợ lành nghề vẫn thường nói vui với chúng tôi rằng: “Nghề này người dân chúng tôi vẫn hay gọi là nghề “bán cột sống” vì suốt ngày phải ngồi vót, rồi lại đan với tư thế xiêu vẹo nên cột sống cũng phần nào biến dạng theo. Phần lớn, các công đọan đều làm thủ công bằng tay nên đôi bàn tay chúng tôi cũng chi chít những sẹo. Sẹo cũ chưa kịp lên da non đã có những vết cứa, vết nứt mới… khiến cho bàn tay chẳng khi nào lành lặn. Mặc dù nghề rất vất vả nhưng ai cũng say nghề”…

Đưa đôi bàn tay thoăn thoắt, vừa khéo léo lùa những sợi nan vào khung, vừa uốn vừa đan, ông Nguyễn Văn Thông (khu 1, thôn Ba Đông, xã Hoàng Xá) chia sẻ: “Nghề đan lát đòi hỏi sự kiên trì bởi phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ pha nan, chẻ nan, vót nan, đan, cạp… Tre, nứa dùng để pha nan, làm cật phải là thân cây thẳng, không già quá, cũng không non quá mới có độ dẻo dai, sản phẩm làm ra mới bền và đẹp”…

Trải qua bao thăng trầm, làng nghề Ba Đông vẫn còn đó gắn kết những nghệ nhân nặng lòng với nghề, miệt mãi giữ nghề và luôn thắp lên ngọn lửa đam mê cho biết bao thế hệ kế cận, dẫu biết rằng đó còn là cả một quá trình khó khăn.

Bên cạnh nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương cũng mong muốn, ấp ủ dự định phát triển làng nghề trở thành một trong những điểm du lịch thu hút du khách tới thăm quan và trải nghiệm mỗi khi đặt chân đến mảnh đất Thanh Thủy. Đây cũng là hướng đi mới giúp làng nghề đan lát Ba Đông tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề, tạo thêm thu nhập ổn định cho người dân. 

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu