23:36 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giữ gìn nghề truyền thống của người Việt trong thời đại công nghiệp 4.0

Trung Kỳ (Bài,ảnh) | 09:50 06/11/2022

(THPL) - Trong thời đại xã hội phát triển mạnh mẽ, công nghệ mới phủ sóng rộng rãi trên mọi lĩnh vực đời sống, thì việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các nghề truyền thống của người Việt rất cần được quan tâm, bảo tồn.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm

Nguy cơ mai một nghề truyền thống trong thời đại công nghiệp 4.0

Tại Việt Nam, có hàng ngàn làng nghề thủ công truyền thống khác nhau. Mỗi làng nghề lại sản xuất ra một sản phẩm thủ công đặc sắc như nghề tre nứa, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm khèn, nghề mây tre, nghề điêu khắc, nghề thêu tranh... Tuy nhiên, mỗi nghệ nhân ở mỗi làng nghề đó từng trải qua thời điểm khó khăn, đau đáu lo lắng nghề "Cha truyền con nối" bị mai một, lãng quên. Nhất là trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, giới trẻ không còn mặn mà với những nghề truyền thống này.

Để hiểu hơn về việc gìn giữ nghề thủ công truyền thống của người Việt trong thời đại công nghiệp 4.0, tại Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18; Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với nghệ nhân làm khèn dân tộc Mua Mí Mình (36 tuổi), dân tộc Mông, hiện sinh sống tại xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang).  Vốn là thế hệ thứ 3 được truyền lại nghề làm khèn truyền thống, anh Mình rất tâm huyết, cần mẫn với nghề. 

Nghệ nhân Mua Mí Mình đang thực hiện làm chiếc khèn.

Anh Mua Mí Mình cho biết, anh bắt đầu học nghề từ năm 28 tuổi, khi đó gặp vô vàn khó khăn, từ những điều cơ bản nhất trong việc chế tạo một chiếc khèn. Đặc biệt là công đoạn tạo lỗ trên khèn, bởi khi khoét lỗ không tròn thì lúc cho thanh trúc vào lỗ sẽ bị hở và chiếc khèn sẽ không phát ra âm thanh.

"Nếu các lỗ trên chiếc khèn khoét không tròn thì mọi ống trúc khi đưa vào lỗ sẽ không khớp, bị hở và khi thổi hơi sẽ bay ra ngoài, âm thanh phát ra sẽ không hay, không chuẩn", anh Mình cho biết. 

Mọi khó khăn trong khâu chế tác mỗi chiếc khèn đều được anh Mình xử lý và giải quyết rất nhanh chóng. Mỗi sản phẩm do anh Mình làm ra đều được nhiều du khách tìm đến đặt mua. Anh Mình tiết lộ giá mỗi chiếc Khèn làm thủ công tùy từng kích cỡ mà giá cũng khác nhau từ 3 triệu đồng trở lên. Nếu chiếc khèn kích cỡ lớn và cầu kỳ hơn thì giá thành vào khoảng 6 triệu đồng. 

Nghệ nhân Sùng Thị Mẩy cho hay: Một sản phẩm vải dệt thổ cẩm thủ công quan trọng nhất là trong khâu vẽ họa tiết, mực vẽ thì bằng sáp ong đun nóng, bút vẽ bằng đồng lá cắt nhỏ...

Nghề làm khèn của người dân tộc Mông lâu nay vẫn nổi tiếng khắp trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi chiếc khèn được sản xuất ra đều rất khó bán bởi sự du nhập của nhiều đồ chơi được sản xuất công nghiệp 4.0 như các loại đàn, sáo trúc tiện lợi và dễ chơi hơn.

Anh Mình chia sẻ: "Dù xã hội ngày nay phát triển mạnh mẽ, nhưng tôi vẫn quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống này vì Việt Nam có hàng trăm, hàng ngàn nghề truyền thống, thì việc gìn giữ nghề làm khèn của người dân tộc Mông là giữ gìn nét tinh hoa của đất Việt".

Anh Mình tâm sự, nhận thấy sự khó khăn của người dân trong thời đại công nghiệp 4.0, chính quyền xã Lao Và Chải đã thành lập một hợp tác xã nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, hợp tác xã cũng lo khoản đầu ra cho từng sản phẩm thủ công mà người nghệ nhân sản xuất ra. Đây là niềm vui và cũng là niềm động viên lớn với cá nhân anh Mình nói riêng và những người nghệ nhân xã Lao Và Chải nói chung.

Giống như anh Mua Mí Mình, nghệ nhân Sùng Thị Mẩy (52 tuổi), người dân tộc Mông, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giữ nghề và làm nghề dệt thổ cẩm. Bắt đầu học, làm nghề từ khi từ năm 13 tuổi nhờ được mẹ ruột truyền lại. Đến nay đã có hơn 40 năm kinh nghiệm nhưng với nghệ nhân Mẩy việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm lại vô cùng khó.

Nghệ nhân Sùng Thị Mẩy cho hay: "Một sản phẩm vải dệt thổ cẩm thủ công quan trọng nhất là trong khâu vẽ họa tiết, mực vẽ thì bằng sáp ong đun nóng, bút vẽ bằng đồng lá cắt nhỏ. Mọi họa tiết do tôi và người chị gái vẽ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ thì sản phẩm sau khi hoàn thiện mới đạt chất lượng tốt, để lại ấn tượng cho du khách thì mới bán được nhiều".

Những sản phẩm dệt thổ cẩm được Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18

Nghệ nhân Sùng Thị Mẩy nói: Nghề dệt thổ cẩm cách đây khoảng chục năm về trước tưởng chừng bị mai một. Bởi thời đó chưa có công nghệ hiện đại, mạng xã hội chưa phủ sóng nên việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế, hầu hết các sản phẩm dệt thổ cẩm khi thành phẩm đều treo bán tại nhà hay người thợ phải mang trực tiếp tới cơ sở giao bán. Đến hiện tại thì nghề dệt thổ cẩm đã thịnh hành hơn rất nhiều, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng hơn. 

Gìn giữ nghề “cha truyền con nối”

Nghệ nhân Mẩy cũng chia sẻ: "Từng có thời điểm nghề dệt thổ cẩm bị mai một nên phía chính quyền xã đã thành lập một hợp tác xã dạy nghề này cho người dân để người dân không quên nghề, bỏ nghề truyền thống của dân tộc".

Ngoài ra, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống này, địa phương và đơn vị tổ chức ở các tỉnh thành trên cả nước đã mời các nghệ nhân về biểu diễn nghề; đồng thời đây cũng là cơ hội để quảng bá nghề truyền thống tới mọi du khách trong và quốc tế biết đến.

Nghệ nhân Sùng Thị Mẩy tiết lộ, cô từng được mời sang Pháp để biểu diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tuy nhiên, thời điểm đó do gặp vấn đề về giấy tờ nên cô bỏ lỡ cơ hội biểu diễn ở quốc tế.

Đối với nghệ nhân Mẩy, quan trọng là giữ nghề và phát huy được nghề truyền thống, còn việc được mời sang nước ngoài biểu diễn là niềm vinh dự và tự hào về nghề của cô. Nghệ nhân Mẩy khẳng định: “Dù có khó khăn đến mấy cũng nhất định phải giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, còn nghề còn sống, mất nghề như mất đi đứa con tinh thần vậy…”.

Nhìn chung, mỗi người nghệ nhân làm nghề truyền thống đều gặp khó khăn trong việc cung ứng đầu ra cho mỗi sản phẩm. Nếu cách đây 10 năm, đầu ra sản phẩm khó khăn bởi mạng xã hội kém phát triển, chưa có máy móc tiên tiến hiện đại, truyền thông phủ sóng, thì trong thời kỳ công nghiệp 4.0 hiện này, việc gìn giữ nghề truyền thống lại càng khó hơn bởi sự du nhập của công nghệ, con người chạy theo thời cuộc.

Tuy nhiên, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã có những giải pháp kịp thời giúp đỡ người dân giữ được nghề "cha truyền con nối”, thay vì để mất nghề, mất đi một phần tinh hoa đất Việt.

 

Theo nhiều chuyên gia, trong quá trình đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế làng nghề cần nhìn nhận đúng vai trò của làng nghề như một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam, là những biểu hiện, minh chứng cụ thể và rõ nét cho bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, nếu muốn gìn giữ và phát triển làng nghề trong bối cảnh công nghiệp 4.0 mà lãng quên hay xa rời những giá trị văn hóa truyền thống thì đồng nghĩa với việc sẽ làm mất đi bản sắc, đánh mất chính mình, trở thành cái bóng của dân tộc khác trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đầy sôi động.

Mặc dù vậy, cần thừa nhận rằng, việc các làng nghề thủ công truyền thống một mặt có ý thức gìn giữ hệ giá trị truyền thống của làng nghề song mặt khác lại chủ động, tích cực tiếp nhận và ứng dụng những giá trị mới phù hợp, năng động trước yêu cầu của thời đại Cách mạng công nghiệp mới chính là một cơ sở quan trọng để các làng nghề phát triển bền vững trong tương lai.

Do đó, sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và chính quyền địa phương là động lực thúc đẩy tinh thần giữ gìn nghề truyền thống ở mỗi nghệ nhân Việt Nam, đây cũng là cơ hội giao lưu, trao đổi về nghề giữa những người con của đất Việt. 

Trung Kỳ (Bài,ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu