20:54 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân có “đôi tay vàng” trong giới chơi cây cảnh

19:03 01/11/2022

(THPL) - Mỗi lần được trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ (khu 3, xã Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội), tôi lại một lần được mở mang tầm hiểu biết và thêm phần nể phục. Lần này, có cơ hội gặp lại ông tại vườn sinh thái Đầm Bạc tôi nhận ra rằng, trong người đàn ông này có một sức mạnh phi thường và quyết tâm mãnh liệt. Chỉ cần ông đam mê, trăn trở về điều gì thì ông sẽ theo đuổi nó đến tận cùng để đạt được sự thành công.

Ai trong giới chơi cây cảnh đều biết, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ và vườn sinh thái Đầm Bạc với hàng trăm loại cây quý hiếm, có giá trị hàng chục tỷ đồng. Có nhiều đại gia đã mạnh tay chi một số tiền lớn, cốt chỉ để sở hữu cây trâm vối 19 thân rồng hay cây sanh 120 năm tuổi đời nhưng người nghệ nhân này không muốn bán vì chúng là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ cho biết: “Đối với tôi, chưa bao giờ cây cảnh là vật vô tri vô giác. Phải mất hơn 20 năm vất vả, 20 năm cơ cực, đánh đổi cả gia tài, xương máu, tôi mới có được như ngày hôm nay. Mỗi chậu cây đều là báu vật mà tôi nguyện dành cả đời nâng niu, chăm sóc”.

 

Ai trong giới chơi cây cảnh đều biết, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ và vườn sinh thái Đầm Bạc 

Sự vất vả, cơ cực mà người nghệ nhân này nói tới chính là việc ông từng bán cả con trâu để đổi lấy cây lộc vừng. Ông kể: Một buổi trưa hè năm 1992, khi đi bán cá trê giống về, ông chợt nhìn thấy một cây lộc vừng cực đẹp tỏa bóng bên ao ở huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ). Ông rất mê và khi hỏi thì chủ nhân ra giá 1,5 triệu đồng. Sờ trong túi chỉ có 200.000 đồng tiền bán cá tanh, ông Ngọ đành bảo với chủ cây rằng, ông đặt cọc trước 200.000 đồng, 2 ngày nữa sẽ gửi đủ. Nếu 2 ngày sau không trả đủ, thì chủ cây có quyền bán cây và không phải trả lại 200.000 đồng đặt cọc.

Ông về rủ người mua chung, nhưng họ đều từ chối, vay tiền họ cũng không cho. Thất vọng, ông lên ngân hàng huyện vay, nhưng một lần nữa ông bị từ chối vì không đủ điều kiện. Ông tiếc lắm, không phải vì mất 200.000 đồng, mà tiếc vì vận hội, niềm đam mê cây cảnh không thực hiện được. Hôm sau, khi vừa đi bừa về, ông cột cho trâu ăn rơm ở đầu ngõ, vừa lúc đó gã lái trâu đi qua thấy trâu béo, mã đẹp, gã gạ mua, thế là ông bán luôn với giá 1,5 triệu đồng.

Về nhà ông nhẹ nhàng nói với vợ con: “bố bán trâu rồi, lát nữa hai mẹ con dắt sang bên đường cho người ta!”. Nghe tin “động trời”, biết chồng bán trâu để mua cây lộc vừng, vợ ông khóc rống lên: “Các con ơi! Bố mày bán mất “đầu cơ nghiệp” rồi”...

Đặc biệt, ông còn nổi tiếng là người có bàn tay tài hoa, làm ra những cây cảnh tuyệt tác luôn được đánh giá cao tại các cuộc triển lãm.

 

Cây sanh là một trong số những “siêu cây” trong vườn của ông Ngọ.
Hay như cây vối có tuổi đời vài trăm năm, thân cây uốn lượn với 19 nhánh tựa như những con rồng đang bay lên khỏi mặt đất.

Chẳng hạn như: Cây sanh với dáng “song long thập toàn” là một trong số những “siêu cây” trong vườn của ông Ngọ. Cây sanh có tuổi đời hơn 100 năm, cao 2 mét và có 10 tán xòe rộng như những đám mây. Lão nông tỷ phú tiết lộ, đây là cây cổ đã được truyền qua rất nhiều đời nghệ nhân. Biết đến danh tiếng và tay nghề của ông Ngọ, chính người chủ cũ đã trực tiếp đề nghị nhượng lại cây sanh quý. Mang cây về, ông không thay đổi dáng mà chỉ tỉa lá và giữ cây phát triển xanh tốt. Ông Ngọ nhấn mạnh, giá trị của cây sanh nằm ở bộ rễ ôm trọn tảng đá hình con rùa, hoàn toàn không có sự can thiệp của bàn tay con người. Thêm nữa, cây hội tụ đủ 4 yếu tố cổ - kỳ - mỹ - văn, rất hòa hợp với phong thủy.

Hay như cây khế cổ được ông Ngọ mua với giá 300 triệu đặt ngay lối dẫn vào trong vườn. “Việc gắn bó với cây khế này là một quyết định mạo hiểm của tôi. Cây có nguồn gốc từ Tiền Giang nên khó thích nghi với khí hậu miền Bắc. Dù biết vậy nhưng tôi đã bị cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên nên không thể bỏ lỡ cơ hội”. Để cây phát triển, vào những hôm trời lạnh, ông phải tìm cách che bạt, ủ ấm cho cây. Không phụ lòng người chăm sóc, cây khế quý đã sinh trưởng tốt, cho ra lá xanh, đẹp.

Ngoài hàng trăm gốc cây cảnh độc đáo, đến với vườn sinh thái Đầm Bạc, chúng tôi còn được sống lại hương vị ngày xưa trong không gian nhà cổ với những bức tranh, bàn ghế cổ, những bộ ấm chén, bát đĩa sành sứ có màu sắc, hoa văn đẹp mắt, thể hiện tinh hoa văn hóa của người Việt.

Dù đã ở tuổi 70 và truyền nghề thành công cho các con, song hàng ngày, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngọ vẫn dành phần lớn thời gian cho công việc chăm sóc, uốn nắn, tạo dáng những "tác phẩm nghệ thuật xanh" trong vườn, giao lưu với những người bạn trong giới cây cảnh và khách tham quan vườn. Ngoài ra, ông còn đi khắp mọi miền đất nước để săn lùng những loại cây "đẹp, độc", bổ sung vào bộ sưu tập cây cảnh đồ sộ trong "khu vườn thượng uyển" của mình.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu