13:01 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ghi tại vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar

Hàn Hưng - Trần Nhật | 10:32 27/11/2019

(THPL) - Băng rừng, vượt núi, đi qua những con dốc, triền đồi cao vời vợi, hun hút cả vài ba giờ đồng hồ. Đứng lọt thỏm giữa tâm lõi khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Kar, chúng tôi sửng sốt khi chứng kiến một đại công trường khai thác gỗ lậu bên trong khu BTTN với những cây gỗ hàng nghìn năm tuổi có đường kính lên cả vài mét nằm rạp dưới đất.

Miếng mồi béo bở mang tên… khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar

Một cây đại cổ thụ bị xẻ thịt trong tâm lõi khu BTTN Nam Kar (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Kar là một khu rừng đặc dụng của tỉnh Đắk Lắk, được thành lập theo quyết định số 12/1991/QĐ-KL ngày 13/5/1991 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Tổng diện tích khu BTTN Nam Kar khoảng 20.000ha.

Tháng 8/2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar quản lý tại các tiểu khu 1023, 1024, 1025 với diện tích hơn 2.000ha rừng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar- chỉ nghe tên gọi thôi người ta cũng đủ hiểu nó được bảo vệ nghiêm ngặt như thế nào rồi. Một con gà, con vịt đi qua cũng khó lọt chứ đừng nói đến con trâu, con bò. Ấy vậy mà, những đối tượng “lâm tặc” lại có thể đưa trâu vào, đưa máy móc cơ giới vào tâm lõi khu BTTN Nam Kar đẵn hạ những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi với đường kính lên cả vài mét đầy khuất tất.

Lại nói về câu chuyện đi tìm sự thật, một người đàn ông (chúng tôi xin được giấu tên), họ tố cáo đường dây khai thác gỗ trong vùng lõi khu BTTN Nam Kar một cách ngang nhiên. Ngang nhiên đến nỗi, mặc dù Trạm bảo vệ rừng số 8 chỉ cách vị trí khai thác chưa đầy 7km, tiếng cưa máy gào rít ong ong, tiếng cây đổ ào ào. Vậy mà, những cán bộ ở đây lại tự bịt lấy tai mình không nhìn thấy, nghe thấy gì.

Những phách gỗ lớn được xẻ thịt giữa đại ngàn (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Sau này, khi về ngồi với ông Võ Văn Tụ - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana thì sự việc mới được xác tín. Ông nói: “Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar không khác nào một miếng mồi béo bở, ai cũng muốn nhảy vào ăn một tí. Chính vì vậy mới có chuyện rừng bị tàn phá nghiêm trọng”.

Quả thật “rừng là vàng”, rừng mang lại nhiều nguồn lợi ích nếu ta biết bảo vệ rừng, bởi khu BTTN Nam Kar giống như “lá phổi xanh” của Tây Nguyên. Nó còn bảo vệ rừng đầu nguồn thủy điện Buôn Tua Sar-Nam Kar, sông Krông Nô, sông Sêrêpôk, sông Mê Kông; điều hòa và cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp vùng hạ du. Nguồn lợi rừng quá lớn đã che mắt một số cán bộ tha hóa đạo đức, bán rẻ lương tâm vì những đồng tiền bất chính. Vậy là, những cây cổ thụ được thiên nhiên, tạo hóa hun đúc qua hàng nghìn năm đã bị đẵn hạ không thương tiếc. “Máu rừng” cứ chảy triền miên.

Một tấm sập gỗ Tung đang được vận chuyển ra khỏi rừng (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Phát hiện “động trời” trong tâm lõi khu BTTN Nam Kar

Để vào được vùng lõi khu BTTN Nam Kar, chúng tôi phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ qua những con dốc, triền đồi thăm thẳm. Con đường mòn đã bị vết trâu kéo gỗ bào mòn, ăn sâu xuống đất. Sau cuộc hành trình gian nan và có phần nguy hiểm, chúng tôi bắt đầu tiếp cận hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép ngay vùng lõi khu BTTN. Nằm ngay cạnh con đường mòn, một cây gỗ có đường kính cả mét bị đốn hạ, phần thân đã bị chúng xẻ hộp và vận chuyển trót lọt ra khỏi rừng, tại hiện trường chỉ còn phần gốc, ngọn và bìa gỗ.

Gỗ được tập kết ngoài cửa rừng (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Người tố cáo còn cho biết, càng đi sâu vào vùng lõi mức độ tàn phá còn nghiêm trọng và kinh khủng hơn nhiều. Chúng tôi tiếp tục đi theo con đường mòn mà trâu kéo gỗ đã để lại, lúc này một tấm sập có đường kính mặt khoảng 60cm, dài khoảng gần 3m.

Tiếp tục băng rừng, vượt đèo chúng tôi phát hiện một tấp sập có đường kính khoảng 80, dài trên 3m cùng máy tời gỗ đang được bỏ lại tại hiện trường. Có lẽ những tên “lâm tặc” khi phát hiện sự có mặt của nhóm phóng viên, chúng đã bỏ gỗ, máy móc để chạy trốn.

Dưới vực sâu hàng trăm thước là một cây gỗ Tung có đường kính lên đến vài mét, dài trên trăm mét đã bị chúng đốn hạ. Cây gỗ Tung này có tuổi đời hàng nghìn năm, phần gốc phải 5-6 người ôm mới xuể.

Một cây gỗ khác vừa mới được xẻ thịt (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Chỉ một cây gỗ Tung bị đốn hạ, nhưng hiện trường của nó thì bao la. Nó mãi mãi nằm dưới “đất mẹ”, sẽ chẳng bao giờ được vươn lên đón ánh nắng bình minh của núi rừng Tây Nguyên nữa. Tại hiện trường chỉ còn phần gốc, ngọn và bìa gỗ. Phần thân cây đã được chúng xẻ thành những tấm sập lớn vận chuyển ra khỏi rừng.

Vùng lõi khu BTTN Nam Kar đáng lẽ ra phải được cảnh giới nghiêm ngặt, một cây gỗ ngã đổ cũng phải để nằm im, không được lấy đi, nhưng những bằng chứng của chúng tôi lại cho thấy khu BTTN Nam Kar đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng.

Vậy ông Nguyễn Văn Nhật- Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar sẽ nói gì trước những trao đổi của phóng viên. Theo ông Nhật, cho biết: "Công tác bảo vệ rừng là thường xuyên, liên tục. Từng tuần, từng tháng, từng năm xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét. Một mặt nữa là các trạm ở các địa bàn xây dựng kế hoạch tuần tra dưới đó. Nói chung, công tác bảo vệ rừng năm 2019 anh em làm tốt, anh em cũng rất cố gắng".

Máy móc cơ giới được đưa vào để vận chuyển từng tấm sập lớn (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Ông Nhật, khẳng định chắc nịch: "Bọn anh đi kiểm tra nhiều lắm, vấn đề kiểm tra rừng hàng tháng anh có báo cáo hết. Tuần tra 1 tháng là phải 100 lần trở lên, chứ không phải là bao nhiêu lần đâu. Các trạm phải xây dựng kế hoạch thường xuyên, báo cáo với cơ quan và triển khai kế hoạch đó. Trong tháng vừa rồi thì không xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn quản lý".

Khi phóng viên chưng ra những bằng chứng về tình trạng phá rừng hết sức nghiêm trọng trong vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar thì ông Nhật bắt đầu thanh minh: "Khu vực xung quanh rừng anh quản lý thì người dân đã sinh sống lâu đời rồi, cũng không phải ngẫu nhiên mà có con đường đó. Trâu thì người dân người ta thả trong rừng, còn có gỗ hay không thì anh không biết.

Vậy trách nhiệm của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar và ông Nguyễn Văn Nhật ở đâu trước việc để xảy ra nạn phá rừng nghiêm trọng này? Có hay không việc bảo kê, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng? Câu hỏi xin được gửi tới cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk.

Thương hiệu và Pháp luật điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Hàn Hưng - Trần Nhật

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu