11:39 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gạt bỏ dự án trọng điểm, Bộ Kế hoạch Đầu tư lý giải như thế nào?

| 08:43 10/02/2017

(THPL) - Vụ việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH- ĐT) thẳng tay gạt bỏ Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên, lập danh mục đầu tư vốn cho hai dự án khác trên địa bàn tỉnh đang khiến nhân dân cả nước xôn xao. Vậy Bộ KH-ĐT lý giải thế nào về vấn đề này?

Vì lợi ích công hay lợi ích nhóm?

Ngày 10/1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà có văn bản hoả tốc gửi Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ KH-ĐT, Tài chính đề nghị đưa dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020.

Trong văn bản, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng quan tâm đến việc Bộ KH-ĐT dự kiến bố trí 900 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2017 - 2020 cho hai Dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông (700 tỷ đồng) và Chương trình kiên cố hóa trường lớp mẫu giáo tiểu học (200 tỷ đồng).

Điểm khiến lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chính là dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông đã được tỉnh báo cáo với Bộ KH-ĐT trước đó, và đã ưu tiên cân đối 200 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện. Việc phân bổ “tréo nghoe” này khiến hai dự án rơi vào tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Một dự án đã được tỉnh phân bổ 200 tỷ, nay “phải tiêu” thêm đến 700 tỷ, trong khi dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai đang được triển khai từ năm 2010 với vốn đầu tư đã thực hiện đến nay hơn 1.500 tỷ đồng, đang được tỉnh quyết tâm hoàn tất trong năm 2018 lại bị “gạt” ra?

Đến thời điểm hiện nay, Văn phòng Chính phủ chưa có thông tin cho báo chí về ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi biết dự án trọng điểm mà Thủ tướng hết sức quan tâm, hai lần cho ý kiến chỉ đạo nay đã bị Bộ KH-ĐT “bỏ quên”. Để làm rõ vấn đề này, các cơ quan báo chí đã liên lạc với lãnh đạo Bộ KH-ĐT để tìm câu trả lời.

Càng bôi, càng đen

Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ KH-ĐT cho biết: "Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành thì dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai cần phải rà soát lại, phân cấp lại mức đầu tư và nếu có tiếp tục triển khai thì cần bổ sung thêm những thủ tục theo quy định. Về Dự án này, Bộ KH-ĐT cũng có riêng một tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ để xem xét. Thẩm quyền quyết định sẽ do Quốc hội và Thủ tướng quyết định trong thời gian tới đây".

Trong một văn bản tham gia ý kiến với Văn phòng Chính Phủ về cơ chế triển khai đầu tư Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên thì Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT chỉ được thanh toán bằng quỹ đất, không quy định việc thanh toán bằng tiền.

Tuy nhiên, đối chiếu với các Quy định chuyển tiếp tại khoản 6 điều 72 của chính Nghị định 15/2015/NĐ-CP này thì chúng ta thấy rất rõ: “Dự án đã có cam kết hoặc chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ưu đãi, bảo đảm đầu tư và các nội dung khác liên quan đến thực hiện dự án trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các văn bản đó”. Trong khi Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay đang thực hiện theo văn bản chấp thuận số 2490/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ký từ ngày 15/12/2009, trước cả thời điểm Nghị định trên có hiệu lực thi hành (từ ngày 10/4/2015) tới gần 6 năm!?

Kết luận của Thủ tướng tháng 8/2016: Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của Dự án vào Danh mục dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020

Một lý do khác cũng được Bộ KH-ĐT đưa ra, đó là trong Thông báo số 460/TB-VPCP ngày 27/12/2013 có nội dung: “Yêu cầu tỉnh Phú Yên giãn tiến độ triển khai dự án đến sau năm 2015 và không thực hiện theo hình thức BT”. Trên thực tế, UBND tỉnh Phú Yên đã nghiêm túc thực hiện theo văn bản chấp thuận số 2490/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ký trước đó, cũng như liên tiếp trong hai năm 2015 và 2016, Thủ tướng Chính Phủ đều có ý kiến nhấn mạnh Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của Dự án vào Danh mục dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020.

Hiện chưa rõ “số phận” của dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai sẽ đi đâu về đâu? Nhưng rõ ràng, cách trả lời mập mờ “càng bôi, càng đen” này của lãnh đạo Bộ KH-ĐT khiến dư luận có quyền hoài nghi về tính minh bạch, công tâm trong vụ việc này.

Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu