05:36 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Gần 800 doanh nghiệp tại Bình Dương phải tạm dừng '3 tại chỗ'

14:00 24/08/2021

(THPL) – Theo tin từ UBND tỉnh Bình Dương, hiện tại đã có 795 doanh nghiệp tạm dừng thực hiện phương án “3 tại chỗ” vì không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không đủ nguyên liệu sản xuất hay xuất hiện F0 quá nhiều trong công ty.

Theo đó, tính đến ngày 22/8, có 323 doanh nghiệp trong khu công nghiệp (với số lao động 85.000 người) đang xin tạm ngưng thực hiện các phương án vì có F0 trong công ty và không có nguồn nguyên liệu, đơn hàng không ổn định, người lao động không chịu ở lại làm việc...

Có 19 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thông báo dừng hoạt động với nguyên nhân không còn nguyên liệu sản xuất, không còn đơn hàng hoặc xuất hiện F0. Và 434 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng số lao động hơn 39.600 người cũng đang tạm dừng hoạt động.

Theo TTXVN đưa tin, hiện các ca F0 vẫn đang được phát hiện liên tục trong các khu công nghiệp. Tính đến ngày 22/8, có 391 doanh nghiệp với 3.263 ca F0 được phát hiện tại công ty và các khu cách ly. Đến nay, còn 12 doanh nghiệp với 92 ca F0 và 22 ca nghi nhiễm vẫn chưa được trung tâm y tế đưa đi cách ly tập trung dù đã quá 24 giờ sau khi phát hiện.

Gần 800 doanh nghiệp tại Bình Dương phải tạm dừng '3 tại chỗ'. Ảnh minh họa

Hiện Ban quản lý các Khu công nghiệp tiếp tục phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương xây dựng kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đã thông báo cho các doanh nghiệp đang thực hiện các phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” lập danh sách người lao động đang làm việc để chuẩn bị cho việc thực hiện tiêm vaccine theo kế hoạch của Sở Y tế.

Cho đến nay, số người lao động làm trong Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được tiêm vaccine là 121.998 lao động.

Cũng theo số liệu của tỉnh Bình Dương, tổng số doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang còn đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” là 3.033 doanh nghiệp.

Cụ thể, trong khu công nghiệp có 1.316 doanh nghiệp với gần 141.447 lao động đăng ký làm việc; 43 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp; ngoài khu công nghiệp có 1.674 doanh nghiệp với gần 100.931 lao động đăng ký làm việc. Khi công nhân quay lại làm việc tại nhà máy, công nhân được các doanh nghiệp lo ăn, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết và một số đơn vị có chi hỗ trợ phụ cấp thêm, trung bình từ 1-3 triệu đồng/người/tháng

Báo VnExpress cho hay, trước đó, để người lao động yên tâm đăng ký tham gia "3 tại chỗ", Cục Công nghiệp cho biết, doanh nghiệp muốn bổ sung quy định cho phép người lao động có thể dừng tham gia "3 tại chỗ" giữa chừng và trở về nơi cư trú. Quan trọng hơn, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh, để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Trường hợp nhà máy có F0, F1 thì y tế địa phương cần phối hợp để tách các ca bệnh ra khỏi môi trường làm việc; đánh giá từng nhóm lao động đưa vào khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng... để đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh.

Mô hình "3 tại chỗ" được nhiều doanh nghiệp cho rằng đang khiến họ rơi vào thế khó. Nhiều doanh nghiệp phía Nam cho biết, thực hiện "3 tại chỗ" khiến họ phải gánh quá nhiều chi phí, như xét nghiệm hàng tuần, trang bị điều kiện cho công nhân ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc...

Tú Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu