17:29 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gần 10 triệu con gà chưa thể xuất chuồng do ảnh hưởng của dịch bệnh

Bảo An (tổng hợp) | 19:37 07/09/2021

(THPL) - Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, hiện có khoảng 9,3 triệu con gà công nghiệp đã đến tuổi xuất chuồng, trong đó hơn 4 triệu con đã quá tuổi khối lượng trên 3,8kg (bình thường xuất chuồng 1,8 - 2,5kg) nhưng vẫn chưa tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, đến cuối tháng 8, cả nước có khoảng 26,6 triệu con lợn, khoảng 518 triệu con gia cầm, 6,3 triệu con bò…, Trong đó tại các tỉnh phía Nam có khoảng 9,3 triệu con gà công nghiệp đã đến tuổi xuất chuồng nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Lượng tiêu thụ gà công nghiệp của doanh nghiệp (DN) chỉ đạt 5-10% so với trước. Thậm chí, những doanh nghiệp lớn có mô hình khép kín như CP Việt Nam, Japfa…, tồn đọng đến 90%. Chưa kể số gia cầm trong nông hộ, chưa thể thống kê hết.

Liên quan đến thông tin trên, báo Tiền Phong cho hay, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, nguyên nhân khiến gia cầm khó tiêu thụ do nhu cầu đang giảm rất mạnh, nhất là khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, các hoạt động kinh tế đêm. Bên cạnh đó, một số nhà máy giết mổ, chế biến có người mắc COVID-19 phải đóng cửa dẫn đến việc cung ứng cũng hạn chế.

Theo ông Trọng, hiện nay giá các sản phẩm chăn nuôi đang xuống mức rất thấp. Chẳng hạn, giá gà công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg. Còn giá lợn hơi trung bình đang giảm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg so với đầu năm, dao động trung bình ở mức 50.000 đồng/kg thấp nhất trong 2 năm gần đây, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Gần 10 triệu con gà chưa thể xuất chuồng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh minh họa

Đối với các sản phẩm chăn nuôi, trong nửa đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được gần 200 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng này chỉ chiếm giá trị nhỏ trong tổng số nguồn cung chăn nuôi của cả nước. Các sản phẩm đòi hỏi phải có mã định danh, nguồn gốc rõ ràng và phải được kiểm dịch kỹ càng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang siết chặt các quy định, việc xuất khẩu không đơn giản, thực hiện được trong ngày một, ngày hai.

Về việc tháo gỡ đầu ra, ông Trọng cho biết, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích các doanh nghiệp tăng công suất giết mổ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải tiêu thụ được trong thị trường nội địa. Việc này phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước.

Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, do không kịp tiêu thụ gà đến ngày xuất chuồng và khó khăn trong vận chuyển thức ăn chăn nuôi, con giống nên tiến độ tái đàn bị chậm, nguy cơ thiếu nghiêm trọng trong các tháng tới. Trong thời gian qua, các công ty chăn nuôi lớn đã phải đốt bỏ hàng triệu gà con do không có chuồng trại để thả mới.

Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty CP, cho biết tình hình tiêu thụ heo, gà đang cực kỳ khó khăn khi các nguồn tiêu thụ chính là thương lái và chợ đầu mối tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động.

Theo ghi nhận, một số công ty thực phẩm lớn đã tăng công suất chế biến nhưng vẫn không thể thay thế được lượng hàng phân phối theo kênh các chợ truyền thống. 

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu