01:41 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

EVFTA có hiệu lực, cơ hội hay thách thức cho hàng hóa Việt?

11:12 01/08/2020

(THPL) - Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu EU. Trong khi đó, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp Việt.

Theo đó, trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: 1 số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Ở chiều ngược lại Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế chậm hơn. Cụ thể Việt Nam xóa bỏ 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa của EU tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Trong vòng 10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ khoảng 98,3% số dòng thuế trong biểu thuế, chiếm 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan như cam kết của WTO, hoặc áp dụng lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng dầu, bia, linh kiện ô tô, xe máy), theo báo VTV.

Cơ hội lớn cho nông sản Việt 

Gạo sẽ là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU bị áp thuế cao từ khoảng 5 - 45%. Từ 1/8,  EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0%, trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt cạnh tranh tốt với các đối thủ tại thị trường EU, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.

Ngoài ra, cà phê, hạt tiêu thuế suất cũng về 0%. Theo đó, Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới. Riêng với thị trường EU, cà phê xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới gần 40%.  Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt sang EU, dự báo sẽ tăng mạnh khi EVFTA có hiệu lực.

EVFTA có hiệu lực, cơ hội hay thách thức cho nông sản Việt? (ảnh: Internet)

Cùng với đó, hàng loạt các mặt hàng khác như thủy sản, rau củ quả, lâm nghiệp cũng được hưởng lợi, được giảm thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực. Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm), đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả...

Hiện EU nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam vào khoảng 8% trong tổng số nhập khẩu của EU. Do vậy, Việt Nam còn cơ hội lớn để xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường này. Con đường cao tốc sang EU đã bắt đầu mở rộng. Các doanh nghiệp Việt cũng đã sẵn sàng để lăn bánh những lô hàng đầu tiên.

Cơ hội luôn đi kèm với những thách thức lớn, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội

Việc giảm đáng kể các khoản thuế, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sẽ là cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường EU. 

Hiện EU đang là một trong những thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật thuộc loại cao nhất thế giới. Đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp....

Đối với nông sản, EU đang thúc đẩy chiến lược từ nông trại đến bàn ăn với những yêu cầu mới, khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và các yếu tố khác. Sản phẩm xuất khẩu vào EU, bên cạnh chất lượng, nguồn gốc xuất xứ còn phải đảm bảo yếu tố môi trường. Đối tác xuất khẩu phải chứng minh sản phẩm được sản xuất trong các nhà máy đạt chuẩn; quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng lao động nhỏ tuổi hoặc quá tuổi.

Trong khi đó, ngành dệt may, da giày lại đối diện với nỗi lo nguồn cung nguyên liệu....đây đều là những thách thức mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi đưa các sản phẩm của nước ta đến với thị trường EU. 

Theo đó, để tận dụng tối đa những lợi ích từ EVFTA, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng cho nông sản xuất khẩu. Chú trọng mở rộng sản xuất trong các lĩnh vực mà hàng Việt Nam có sức cạnh tranh, nhưng thị phần ở thị trường đối tác EVFTA còn nhỏ.

Theo báo Kinh tế Đô thị cho hay, cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt khi VFTA có hiệu lực, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận rất nhiều yếu tố tích cực, mà ở đó, nếu có thể tận dụng được, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội rất lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện cam kết với EU sẽ tạo áp lực và cơ hội để Việt Nam tiến tới cải thiện năng lực quản trị, môi trường kinh doanh, cũng như các điều kiện về thương mại và hậu cần… Điều này sẽ giúp mở ra những cơ hội đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém như: Bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm, hay nông nghiệp công nghệ cao…

Tư lệnh ngành NN&PTNT cũng cho rằng, EVFTA sẽ tạo nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong quá trình hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới. Và để nắm bắt được thời cơ từ EVFTA, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản thông qua cải thiện chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cũng như nâng cấp bao bì, nhãn mác…

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành cần đẩy mạnh đàm phán kỹ thuật; tập trung tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người sản xuất không chỉ về các tiêu chuẩn của EU, mà còn phương thức sản xuất phù hợp để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe đó.

Về phía các doanh nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, các đơn vị cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ nhằm tạo ra những nông sản, thực phẩm có chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn EU và đủ sức cạnh tranh. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị các biện pháp để chủ động đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện giao thương…

Thanh Thanh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu