22:58 ngày 27/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giải pháp nào để ngành chè Việt phát triển xứng tầm giá trị?

08:30 27/01/2025

(THPL) - Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất cũng như xuất khẩu chè nhờ có nhiều lợi thế. Trong những năm qua, dù ngành chè Việt đã có đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, nhưng vẫn được đánh giá là khá khiêm tốn. Để xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt phát triển bền vững.

Thu hái chè tại đồi chè Long Cốc (Phú Thọ)

Top 5 quốc gia sản xuất và xuất khẩu chè lớn nhất thế giới

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Nước ta có lợi thế sản xuất chè rất lớn với tổng diện tích trồng chè cả nước đạt khoảng 130 nghìn ha, năng suất bình quân đạt khoảng 8,0 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt khoảng 192 nghìn tấn/năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng, như: Chè Shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14… và các giống chè nhập nội như PT95, Kim Tuyên, Bát Tiên, Tứ Quý Xuân...

Đặc biệt, chè Shan là giống chè quý, được phát triển lâu đời tại một số địa phương khu vực phía Bắc nước ta. Hiện những rừng chè Shan cổ thụ với nhiều cây hàng trăm năm tuổi của Việt Nam đang cho sản phẩm có nhiều đặc tính quý và là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất chè sạch, chè đặc sản, cũng như các sản phẩm chè chế biến có giá trị gia tăng cao.

Việt Nam còn sở hữu nhiều vùng chè quý, được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan, thuận lợi cho việc kết hợp sản xuất và thúc đẩy du lịch thăm quan. Điển hình như đồi chè Long Cốc (Phú Thọ), đồi chè trái tim Mộc Châu (Sơn La), đồi chè Cầu Đất (Lâm Đồng), đồi chè Tân Cương (Thái Nguyên)...

Ngoài ra, theo đánh giá từ Hiệp hội chè Việt Nam, trong thời gian gần đây, năng suất và sản lượng chè của Việt Nam liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Trong hoạt động chế biến chè, đã có nhiều dây chuyền công nghệ chế biến chè với mức độ cơ giới hoá cao được bổ sung thay thế tại nhiều doanh nghiệp.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Hiệp hội Chè Việt Nam cùng với các tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Việt Nam cũng như cho từng địa phương. Một số chỉ dẫn địa lý nổi bật bao gồm: Chè Mộc Châu - Sơn La, chè Tân Cương - Thái Nguyên, chè Shan Hà Giang, cùng với nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên và chè Nghệ An.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam tại một hội thảo về ngành chè

Chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới

Mặc dù có nhiều lợi thế trong việc phát triển, bước đầu đạt được những thành tựu nhất định, vậy nhưng, ngành chè Việt đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT đánh giá: Hiện nay, mô hình sản xuất chè phổ biến ở nước ta vẫn là mô hình sản xuất nhỏ, với khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè vừa và nhỏ. Ngoài ra còn khoảng hơn 1 vạn hộ gia đình tham gia sản xuất chè xanh với các thiết bị chế biến thủ công và bán thủ công. Năng lực chế biến của các lò thủ công chiếm tới 50% tổng sản lượng chè xanh.

Trong khi đó, cơ cấu giống chè của nước ta cũng chưa hợp lý khi có tới 70% là các giống chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, loại có giá trị không cao. Khâu chế biến, tiêu thụ chè hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư, nhân công trong khâu chế biến, giảm chất lượng chè thành phẩm.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng.

Nhiều địa phương chưa có định hướng phát triển cụ thể cho từng giống chè để phát huy tiềm năng của giống, lợi thế vùng sinh thái và thực hiện các chính sách về cánh đồng lớn của Chính phủ…

Về giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam, "Thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lý do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới", ông Hoàng Vĩnh Long nhận định.

Chính vì rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới nên một nghịch lý lớn đang diễn ra với xuất khẩu chè của Việt Nam, mặc dù sản lượng xuất khẩu thuộc hàng cao nhất thế giới nhưng giá trị thu về lại thấp.

Các kỹ sư nông nghiệp trẻ kiểm tra chất lượng cây chè. Ảnh Thắng Nguyễn

Liên kết sản xuất là chìa khóa để phát triển ngành chè Việt

Trước những hạn chế bất cập trên, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững ngành chè Việt Nam, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất, chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè. Thúc đẩy các hộ trồng chè tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân trồng chè và thực hành sản xuất chè bền vững sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo Chương trình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng (IPM, ICM).

Cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh thêm về các giải pháp để phát triển ngành chè.

Thứ hai, thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm, cơ cấu lại tỷ lệ chè đen và chè xanh một cách hợp lý. Đồng thời, đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm hướng đến hình thành ngành công nghiệp chế biến chè Việt Nam.

Thứ ba, thúc đẩy xúc tiến thương mại, xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Mỹ… Duy trì, phát triển xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực;

Liên kết sản xuất là chìa khóa để phát triển ngành chè Việt. Ảnh Thắng Nguyễn

Ông Hoàng Vĩnh Long cũng đánh giá thêm: Để xây dựng chè Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường cần nhiều yếu tố. Trong đó, cần liên kết sản xuất là chìa khóa để xây dựng ngành chè Việt Nam phát triển bền vững.

Thứ tư, các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt công tác quản lý diện tích chè nguyên liệu, đảm bảo diện tích chè hiện có. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, các địa phương về phát triển sản xuất chè an toàn; kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè. Đảm bảo quy hoạch vùng sản xuất, ngoài định dạng độ cao cho từng vùng, miền để xác định giống chè phải gắn với các cơ sở chế biến và phân vùng nguyên liệu chè.

Thứ năm, trên cơ sở phân tích, đánh giá xu hướng thị trường, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chè Việt trên thị trường quốc tế để nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè. Đồng thời, các địa phương trồng chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn; triển khai các dự án khoa học - công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn.

Thắng Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu