01:32 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dự kiến vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019

| 09:28 09/10/2018

(THPL) - Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sau 6 năm, số nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã gấp gần 3 lần, công suất cũng tăng 2,8 lần năm 2012.

"Nếu tính theo các cấp độ thì thị trường điện ở Việt Nam còn nhiều mới mẻ và cần tiếp tục hoàn thiện", ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá tại hội nghị ngày 8/10, báo VnExpress đưa tin.

Theo quy định Luật Điện lực 2004, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh; bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Việt Nam mới hoàn thiện ở cấp độ 1 sau 6 năm vận hành phát điện cạnh tranh và bắt đầu chuyển sang cấp độ 2 (bán buôn cạnh tranh). Theo ông Vượng, mức này sẽ chính thức vận hành từ năm 2019 sau một năm thí điểm.

Ông Lê Đông Hải - phòng Thị trường điện (Cục Điều tiết điện lực) cho biết, dự kiến có 5 tổng công ty phát điện tham gia và một số nhà máy nhiệt điện lớn như Thái Bình 1, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng...

thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Dự kiến vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019. Ảnh minh họa: TTXVN

Để vận hành chính thức từ năm 2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và các đơn vị liên quan hoàn thành tốt giai đoạn thí điểm các tháng cuối năm 2018.

Ông Vượng cũng đề nghị hoàn thành Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện, đồng thời tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như đào tạo nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu vận hành.

Sau 6 năm, theo đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), số nhà máy điện tham gia đã gấp gần 3 lần, công suất cũng tăng 2,8 lần năm 2012.

"Thị trường điện đã giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư", ông Phạm Quang Anh - Phó trưởng phòng thị trường điện (Cục Điều tiết điện lực) nói.

Ngoài ra, một yếu tố mới phát sinh gần đây là việc huy động khí rất lớn, do vậy khi mỏ khí suy giảm, xuất hiện thiếu khí ở một số nơi và hiện tượng này có thể thấy trong tương lai.

Theo báo VOV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù số lượng các nhà máy điện và công suất các nhà máy điện tham gia thị trường điện đã tăng đáng kể, nhưng mới đạt 49% tổng công suất đặt hệ thống.

“Qua thí điểm, các đơn vị bước đầu đã làm quen thị trường bán buôn, Cục Điều tiết điện lực đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đào tạo, các văn bản pháp lý cần thiết cho thị trường bán buôn. Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng cơ chế bù chéo cho các Tổng công ty Điện lực, vì hiện nay khâu phát điện (đầu vào) đã tiến hành thị trường, trong khi giá bán lẻ (đầu ra) vẫn tiếp tục điều tiết”, ông Tuấn nói.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn, Cục Điều tiết sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu của EVN tham gia thị trường điện. “Điều này còn liên quan đến vấn đề triển khai cơ chế bù chéo giữa các Tổng công ty phát điện ra sao. Cùng với đó là việc nghiên cứu để đưa các nhà máy năng lượng tái tạo như điện, gió... tham gia thị trường điện để có thể thí điểm, rút kinh nghiệm”, ông Tuấn lý giải và cho rằng, đây là cơ chế khó vì đây là các nhà máy có nguồn phân tán, phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng, phương thức điều độ... nên khi thực hiện được các giải pháp này sẽ tăng được số lượng các nhà máy tham gia thị trường điện.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu