17:51 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự án Mỹ Đình Plaza 2: Hiểm họa trên trời đe dọa tính mạng người dân

22:00 08/02/2017

(THPL) - Thời gian gần đây, mỗi khi lưu thông qua đường Nguyễn Hoàng, đoạn giáp bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) người đi đường luôn cảm thấy nơm nớp lo sợ vì hàng chục tấn bê tông luôn treo lơ lửng ở trên đầu.

Hiểm họa mà chúng tôi muốn nói đến, đó là chiếc cẩu tháp của một công trình xây dựng nằm sát đường Nguyễn Hoàng. Công trình này là tổ hợp thương mại, văn phòng và chung cư cao cấp - tòa nhà Mỹ Đình Plaza 2. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần địa ốc Mỹ Đình. Công trình đang trong thời gian hoàn thiện móng và xây dựng tầng hầm. Đơn vị thi công phần hầm móng là Công ty CP xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh.

Người tham gia giao thông luôn cảm thấy bất an với hiểm họa rình rập ở trên đầu (Ảnh: Xuân Hân).
Toà nhà cao tầng đang thi công này nằm sát nhà chung cư Dolphin Plaza cao 28 tầng nên không gian rất chật hẹp, đơn vị thi công phải bố trí chiếc cần cẩu tháp ra phía ngoài, sát với mặt đường Nguyễn Hoàng. Điều đáng lo ngại ở đây, mỗi khi vận hành cẩu vật liệu xây dựng, phần đuôi cần cẩu được treo hàng chục tấn bê tông làm đối trọng vươn ra giữa đường, xoay lơ lửng ở trên trời, trong khi phía dưới là dòng người lưu thông tấp nập.

Ngoài cẩu tháp thì xe trộn bê tông cũng án ngữ, chiếm hết vỉa hè dành cho người đi bộ (Ảnh: Xuân Hân).
Theo quan sát, người đi bộ qua đoạn đường này thường rảo bước thật nhanh, còn người đi xe máy hay "dạt" về phía lề đường bên trái, để né hàng chục tấn bê tông treo lơ lửng trên đầu. Khi được hỏi về mối nguy hiểm rình rập trên đầu, chị chủ quán nước gần công trình xây dựng này chia sẻ: "Sợ chứ, nhưng ngồi đây quen khách rồi, ngồi chỗ khác lại không bán được hàng".  Một lái xe taxi ngồi uống nước nói chen vào: "Không để ý tới nó (cần cẩu/pv) thì thấy cũng bình thường, chứ ngửa cổ lên mà nhìn thì sợ lắm".
Xe con, xe khách hay người đi bộ đều muốn né "tử thần" đang lơ lửng trên trời (Ảnh: Xuân Hân).

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm từ những chiếc cần cẩu xây dựng như thế này.

Cụ thể, ngày 18/01/2015, tại công trường thi công toà nhà Chi nhánh ngân hàng BIDV, đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) chiếc cần cẩu tháp thi công tầng 10 tòa nhà bất ngờ bị gẫy, đổ đè trúng người đi đường, làm hai người thương vong. 

Tháng 11/2016, tại Nghệ An, cần cẩu dài hàng chục mét của một công trình xây dựng bất ngờ đổ sập vắt lên mái nhà Trường THPT Lê Viết Thuật (thành phố Vinh), đè chết 1 học sinh. 

Tại Hà Nội cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến cẩu tháp, điển hình như vụ tai nạn hồi tháng 5/2015, chiếc cần cẩu tại công trường của dự án xây dựng đường sắt Nhổn - ga Hà Nội gãy tay cẩu đổ sập xuống nhà dân. 

Tháng 3/2016, một chiếc cẩu tháp đang hoạt động trong công trường trên đường Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ bị gẫy làm 3 đoạn, rất may sự việc xảy ra vào thời điểm đêm khuya nên không có thương vong về người.

Vụ tai nạn thương tâm do cần cẩu tháp gây ra tại Hải Phòng hồi tháng 11/2015 (Ảnh: internet)
Được biết, một số quận trên địa bàn TP Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư phải tuân thủ đúng quy định về quản lý, sử dụng cần trục tháp trong quá trình thi công theo Chỉ thị 01/CT - BXD ngày 02/11/2015 của Bộ Xây dựng về việc đảm bảo an toàn trong thi công và xây dựng công trình, và Chỉ thị 08/CT - UBND ngày 13/4/20134 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công trên địa bàn Hà Nội.

Cần cẩu bị gẫy làm 3 đoạn trên phố Trương Định (Hà Nội) tháng 3/2016, rất may không có thương vong về người (Ảnh: internet).

Cụ thể, đối với các trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân và công trình lân cận, chỉ cho phép cần trục tháp đó hoạt động trong khoảng thời gian từ 22h đến 6h sáng hôm sau và phải đảm bảo đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông theo quy đinh. 

Tại thời điểm phóng viên ghi nhận khoảng 17h chiều, đây là thời điểm tan tầm của các cơ quan, đơn vị, trường học. Hơn nữa, xe khách ngoại tỉnh vào cổng sau của bến xe Mỹ Đình phải đi qua đoạn đường này nên mật độ tham gia giao thông rất lớn. Nhưng không hiểu sao, các cơ quan chức năng của quận Nam Từ Liêm lại cho phép đơn vị thi công vận hành cần cẩu tháp trong thời điểm bất hợp lý như vậy?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Xuân Hân

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu