13:09 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dự án bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình hoàn thành 80% khối lượng công trình vẫn chưa đánh giá tác động môi trường

| 19:51 06/06/2017

(THPL) – Với quy mô 900 giường bệnh, số tiền đầu tư lên đến 2.700 tỷ đồng và được khởi công xây dựng từ năm 2010 thế nhưng tính đến thời điểm bây giờ, dự án Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Tiến hành xây dựng không cần ĐTM

Theo tìm hiểu của PV Thương hiệu và Pháp luật, dự án Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình (phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình)  được đầu tư, xây dựng theo Quyết định số 986/QĐ-UBND ngày 10/11/2010 với tổng mức đầu tư là 800 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ có công suất tối đa là 400 giường bệnh phục vụ bệnh nhân. Chủ đầu tư là Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình. Nguồn vốn để xây dựng dự án là từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách của tỉnh.

Dự án bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình có quy mô 900 giường bệnh, tổng mức đầu tư lên đến 2.700 tỷ đồng.

Đến ngày 27/9/2011, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 691/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Ninh Bình. Theo quyết định trên, bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình được nâng số vốn đầu tư lên đến 2.700 tỷ đồng với quy mô 900 giường bệnh. Đồng thời cũng chuyển chủ đầu tư sang Ban quản lý các dự án các công trình trọng điểm tỉnh Ninh Bình (nay đã đổi tên thành Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình). 

Dự án này hứa hẹn sẽ giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện công hiện tại và nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ tốt nhất cho người dân địa phương và một số vùng lân cận.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án này đã thi công được khoảng 80% khối lượng công trình, 2 tòa nhà chính mỗi tòa có 11 tầng đã cơ bản hoàn thiện, các nhà phụ trợ xung quanh cũng đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, mặc dù được thi công từ năm 2010, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành, dự án này vẫn chưa có báo cáo ĐTM .

Việc lập báo cáo ĐTM phải được thực hiện đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án hoặc phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà một dự án trọng điểm với số vốn đầu tư lên đến 2.700 tỷ đồng lại không có báo cáo ĐTM trong khi đã được thi công rầm rộ và có thể sẽ được đi vào hoạt động sau một thời gian ngắn nữa.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với PV, ông Vũ Quang Trung, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình – chủ đầu tư dự án thừa nhận đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa được thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM.

Ông Trung cũng cho biết thêm, khi đơn vị nhận bàn giao vào năm 2011, dự án đã hoàn thành xong phần móng, sau đó dự án cũng bị đình trệ thi công đến năm 2013 do gặp khó khăn về nguồn vốn. Đến khoảng cuối năm 2014, đơn vị rà soát lại hồ sơ mới phát hiện ra dự án còn thiếu ĐTM.

Khi PV đặt câu hỏi rằng vì sao sau khi nhận bàn giao dự án từ năm 2011, dự án sau đó cũng đã được tiếp tục thi công mà đơn vị lại không phát hiện ra dự án còn thiếu ĐTM, vị đại diện chủ đầu tư lý giải rằng khi tiếp nhận dự án, do đơn vị thiếu nhân lực mà khối lượng công việc quá nhiều nên không kiểm soát hết được.

Dự án đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công trình, các hạng mục đã cơ bản hoàn thiện.

Việc lập báo cáo ĐTM phải được thực hiện trong khâu lập hồ sơ và trước khi tiến hành thi công dự án, thế nhưng chủ đầu tư ban đầu là Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đã không thực hiện và UBND tỉnh Ninh Bình vẫn chấp thuận để chủ đầu tư tiến hành khởi công dự án. Đến khi dự án được chuyển sang chủ đầu tư mới, mãi gần 4 năm sau đó chủ đầu tư mới phát hiện dự án còn thiếu ĐTM?!

Đến cuối năm 2016, tức là 2 năm sau khi phát hiện dự án còn thiếu ĐTM, chủ đầu tư mới tiến hành làm các thủ tục liên quan để trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM.

Thế nhưng lần này chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành xong thủ tục về ĐTM. Tiếp đó, khoảng tháng 5/2017, chủ đầu tư tiếp tục nộp hồ sơ lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và tính đến thời điểm hiện tại, dự án Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình vẫn chưa hoàn thành xong thủ tục về ĐTM theo đúng quy định.

Để có được thông tin khách quan, PV đã đến trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình để liên hệ làm việc. Tuy nhiên thay vì được đặt lịch làm việc, PV đã vấp phải sự cản trở tác nghiệp từ phía trực ban. PV đã trình đầy đủ giấy tờ và tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, nhưng sau khi nhận chỉ đạo từ đồng chí Đặng Xuân Nguyên - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình, đồng chí trực ban cho PV biết rằng hiện người phụ trách báo chí của tỉnh đang đi học, đề nghị PV muốn liên hệ công tác thì chuyển nội dung bằng đường công văn, UBND tỉnh không tiếp nhận giấy giới thiệu.

Dù PV chỉ đề nghị được đặt lịch làm việc với bộ phận văn phòng của UBND tỉnh nhưng các đồng chí trực ban nhất mực không đồng ý. Phải chăng UBND tỉnh Ninh Bình đang cố tình gây khó dễ, cản trở phóng viên tác nghiệp, tìm hiểu thông tin theo đúng Luật Báo chí cũng như các quy định hiện hành của pháp luật?

Quay trở lại với dự án bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình, việc thiếu sót một thủ tục hành chính vô cùng quan trọng như báo cáo ĐTM thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Việc chủ đầu tư trình các cơ quan chức năng để xin thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM sẽ đi đến đâu?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

Quốc Huy

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu