09:47 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội: “Nút thắt” trong việc giải quyết quyền lợi cho khách hàng

| 07:27 15/10/2017

(THPL) - Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group (Cty HG) đã kết thúc phần xét hỏi và tranh luận. Đến thời điểm này, có thể thấy đang tồn tại “nút thắt” trong việc giải quyết quyền lợi cho phía bị hại: Trong khi Viện Kiểm sát (VKS) đề xuất hướng giải quyết buộc bị cáo Châu Thị Thu Nga phải bồi thường toàn bộ số tiền 348 tỷ đồng thì các bị hại đồng loạt cho rằng trách nhiệm phải thuộc về Cty HG mới đúng.

Ai chịu trách nhiệm về số tiền khách hàng đã giao cho Cty HG?

Theo Cáo trạng của VKSND Tối cao thì để có được lòng tin của khách hàng, Châu Thị Thu Nga đã thực hiện các thủ đoạn gian dối, trong đó có việc chỉ đạo sàn giao dịch bất động sản thuộc Cty HG soạn thảo hợp đồng với tên gọi theo từng thời điểm là Hợp đồng đặt cọc, Hợp đồng góp vốn, Thỏa thuận vay vốn, Thỏa thuận góp vốn.

Nội dung chính của các hợp đồng thể hiện Cty HG là chủ đầu tư của dự án B5 Cầu Diễn huy động vốn của các nhà đầu tư cá nhân (khách hàng) có nhu cầu đầu tư mua căn hộ chung cư tại dự án B5, Cty HG thu của nhà đầu tư cá nhân số tiền ban đầu bằng 30% giá trị chuyển nhượng của căn hộ đã chọn…

Thực chất các hợp đồng này là huy động vốn từ tiền của người mua nhà ứng trước qua hình thức mua bán nhà ở hình thành trong tương lai nên vi phạm quy định về huy động vốn tại khoản 1 Điều 39 Luật Nhà ở.

Dự án B5 Cầu Diễn

Tại phần luận tội, VKS cho rằng bà Nga và các bị cáo khác lừa đảo khách hàng nên bà Nga phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại. Tuy nhiên, khi được trình bày nguyện vọng, các khách hàng đều cho rằng đề nghị của VKS không đảm bảo quyền lợi của họ và họ không mong muốn điều đó.

Nguyện vọng của họ là hợp đồng đã ký phải được tôn trọng, dự án được tiếp tục thực hiện, họ được nhận nhà. “Giao dịch giữa các bị hại với Cty HG có thể là thỏa thuận vay vốn, góp vốn… nhưng đều là hợp pháp. Các bị hại ký hợp đồng với Cty HG chứ không ký với bị cáo Nga. Cty HG là pháp nhân vẫn tồn tại nhưng lại yêu cầu bị cáo Nga bồi thường là có sự nhầm lẫn về mặt chủ thể” – bị hại Vũ Thị Phương Lan phát biểu trước tòa.

Để làm rõ “nút thắt” trong việc giải quyết lợi ích của khách hàng, trong thời gian tòa nghị án, PV đã có buổi trao đổi với luật sư Quang Anh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Việt, Đoàn luật sư TP.Hà Nội), người bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga trong phiên tòa sơ thẩm.

Luật sư Quang Anh nhận định rằng HĐXX sẽ có hai cách để xác định vấn đề và kèm theo đó là các trách nhiệm pháp lý khác nhau. Cách 1, nếu bà Nga phạm tội lừa đảo thì phải có trách nhiệm bồi thường cho khàng hàng. Cách 2, nếu bà Nga không phạm tội lừa đảo thì Cty HG phải tiếp tục thực hiện các giao dịch đã ký với khách hàng.

PV: Tại sao lại có 2 cách đánh giá như vậy, thưa luật sư?

Luật sư Quang Anh: Theo tôi, nếu đánh giá vụ việc theo cách thứ nhất thì mối quan hệ được xác định trong vụ án này là giữa khách hàng và bà Nga. Đây là quan hệ pháp luật hình sự giữa bị hại và người thực hiện hành vi phạm tội. Theo quy kết này thì các hợp đồng giữa hai bên chỉ có thể coi là “thủ đoạn gian dối” mà bà Nga sử dụng để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản của khách hàng có nhu cầu mua nhà tại dự án B5 (theo đúng mô tả về cấu thành tội phạm này tại Điều 139 Bộ luật Hình sự).

Việc dùng thủ đoạn gian dối này chỉ phát sinh trách nhiệm hình sự chứ không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Do đó các hợp đồng này không thể coi là giao dịch dân sự và đương nhiên là không có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, tôi lại nghiêng về thì cách đánh giá thứ 2,  trong vụ việc này có 3 chủ thể độc lập: Khách hàng, Châu Thị Thu Nga và Cty HG nên với hành vi pháp lý của chủ thể nào thì chủ thể đó phải chịu trách nhiệm. Bởi vậy, việc Cty HG ký hợp đồng với khách hàng và khách hàng nộp tiền trực tiếp vào tài khoản của HG nên giữa HG và khách hàng phát sinh quan hệ pháp luật (không nên nhầm lẫn tư cách pháp lý của Cty HG với tư cách pháp lý của cá nhân bà Nga).

Tiếp đó, có nên xem giao dịch giữa khách hàng và HG là giao dịch giả tạo hay không (?). Ở đây, cả khách hàng và Hg đều nhận thấy hiện tại chưa đủ điều kiện để thực hiện giao dịch mua bán nhà ở. Do vậy hai bên đã lựa chọn hình thức kinh doanh khác (hợp đồng hợp tác, hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay vốn, Hợp đồng đặt cọc…) để thực hiện mong muốn của mình. Điều này khác với việc đưa ra một giao dịch giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác.

PV: Vậy, theo luật sư thì nếu bà Nga bị kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như nhận định của VKS thì các hợp đồng mà Cty HG và khách hàng đã ký kết không có giá trị pháp lý, không thể tiếp tục thực hiện như mong muốn của đại đa số các khách hàng?. Và lúc đó Cty HG cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các “bị hại”?

LS Quang Anh: Đúng vậy.

PV: Theo luật sư, có giải pháp nào cho vấn đề này hay không?

LS Quang Anh: Giải pháp thì không hẳn là không có. Tất cả tùy thuộc vào cái nhìn công tâm của HĐXX khi đưa ra phán quyết của mình. Về phía tôi cũng như các luật sư bào chữa khác của bà Nga đều cho rằng các bị cáo trong vụ án này hoàn toàn không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, nếu Tòa án không ghi nhận kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa mà vẫn kết luận các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đương nhiên Tòa án cũng sẽ phải xác định trách nhiệm bồi thường tiền cho khách hàng thuộc về phía bị cáo theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Hình sự 1999 (Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra) chứ không thể quy trách nhiệm cho Cty HG được.

Xin được nhắc lại những băn khăn của đại đa số khách hàng trong phiên tòa sơ thẩm này là VKS kết luận như vậy có bảo đảm quyền lợi của họ hay không? Điều đặc biệt ở vụ án này là nguyện vọng của cả “bị cáo” lẫn “bị hại” hầu như không có sự đối lập - cả hai bên đều mong được tiếp tục triển khai dự án, được nhận nhà như đã giao hẹn ban đầu.

Vậy, làm thế nào để quyền lợi của hơn 700 người đã góp vốn cho Cty HG được bảo đảm (?) Câu trả lời xin dành cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Hi vọng, Tòa án sẽ có những phán quyết thấu lý đạt tình để tháo gỡ “nút thắt” quyền lợi trong vụ án này!

                                                                                                                                                                                                

Nhóm PVPL 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu