09:34 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đồng Nai: Luôn sẵn sàng đón sóng đầu tư từ Nhật Bản

14:25 11/12/2017

(THPL) - Dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp Nhật Bản luôn được đánh giá cao, đã và đang bổ sung nguồn lực rất quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Khoảng 4 năm gần đây, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Đồng Nai đang tăng nhanh.

Năm 2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập Bàn Kansai nhằm hỗ trợ thủ tục để DN vùng Kansai (Nhật Bản) đầu tư vào tỉnh thuận lợi hơn. Ngoài ra, Bàn Kansai cũng là cầu nối đón tiếp các nhà đầu tư Nhật Bản đến tham quan, tìm hiểu đầu tư vào Đồng Nai. Hơn 4 năm qua, Bàn Kansai đã hỗ trợ thủ tục góp phần thu hút nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai hơn. Làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh trong những năm gần đây tăng lên rõ rệt, chiếm gần 40% số dự án của DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Ông Yukihiro Sato, nguyên là chuyên gia cao cấp Học viện Nghiên cứu công nghiệp tỉnh Osaka cho hay: “Những năm gần đây, DN Nhật Bản rất quan tâm đến Đồng Nai và nhiều DN nghiệp nhỏ đã đến tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các DN Nhật Bản đầu tư vào đây khá thuận lợi, chỉ sau vài tháng cấp chứng nhận đầu tư đã có thể đi vào hoạt động”.

trang3_250416_2
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, tính đến cuối tháng 11/2017 các DN Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh hơn 230 dự án với tổng vốn gần 4 tỷ USD. Nhật Bản đang xếp thứ 3 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Các DN chủ yếu đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, một ngành mà Đồng Nai cũng như cả nước đang rất thiếu. Họ chấp hành rất tốt các quy định về bảo vệ môi trường và sử dụng lao động. Trong tỉnh đã có 2 khu công nghiệp do người Nhật đầu tư hạ tầng là Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa) và Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành).

Một số công ty hạ tầng của khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhanh chân xây dựng sẵn nhà xưởng cho thuê với nhiều diện tích khác nhau để đón các DN Nhật. Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, lĩnh vực các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh phù hợp với ngành nghề đang ưu tiên mời gọi nhằm tăng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho thị trường nội địa. Nếu Đồng Nai phát triển được công nghiệp hỗ trợ sẽ thu hút được DN Nhật Bản cũng như các quốc gia khác đầu tư vào tỉnh nhiều hơn.

Ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, nhận xét: “Hiện nay, nhiều DN Nhật Bản đang có ý định đầu tư vào Đồng Nai. Vì thế, trong thời gian tới Đồng Nai tiếp tục là địa phương đón được những làn sóng đầu tư mới của DN Nhật Bản. Ngoài công nghiệp hỗ trợ thì các tập đoàn cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, vận tải, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao”.

Từ đầu năm đến nay, nhiều đoàn DN ở các thành phố lớn của Nhật Bản như Osaka, Saitama... đã đến tỉnh tìm hiểu môi trường, chính sách đầu tư. Mục tiêu của Nhật Bản là đến năm 2020 có khoảng 10 ngàn DN vừa và nhỏ đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam là quốc gia được các DN xứ sở mặt trời mọc chú ý nhất. “Thế mạnh của DN tỉnh Saitama là công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật, logistics. Đất đai ở Saitama không còn nhiều để phát triển công nghiệp nên DN trong tỉnh đang muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đồng Nai là nơi các DN này muốn đầu tư vào vì nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào đây khá thành công” - ông Yoshiaki Tachikawa, trưởng ban quản lý doanh nghiệp tỉnh Saitama chia sẻ.

Hiện Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang triển khai cũng là “chiếc bánh” hấp dẫn các công ty Nhật Bản hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng, logistics, dịch vụ. Không ít DN Nhật Bản đã ngỏ ý muốn tham gia các hạng mục khi triển khai xây dựng cảng hàng không này.

Theo TS.Trần Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: “Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ đối với các DN Nhật trong việc rót vốn đầu tư vào ASEAN. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản là đối tác đầu tư với cơ cấu nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo… thuộc nhóm tốt nhất tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng”.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu