13:23 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Độc đáo Lễ hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay

Huyền Chi | 15:02 14/02/2021

(THPL) - Vào dịp trước hoặc sau Tết nguyên đán, đồng bào Sán Chay tại xóm Đồng Tâm (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) thường tổ chức Lễ hội cầu mùa. Đây là một trong những lễ hội truyền thống, phản ánh đậm nét đời sống tín ngưỡng của người dân tộc Sán Chay.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, Lễ hội cầu mùa là một trong những nghi lễ văn hoá tâm linh có từ thời xa xưa của đồng bào Sán Chay. Hàng năm, cứ vào dịp trước hoặc sau Tết nguyên đán người dân tộc Sán Chay lại cùng nhau sắp lễ cúng thần linh, thổ thần tại đình làng hoặc đền thờ để cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hoà, cây cối tốt tươi, thóc ngô đầy bồ và chăn nuôi phát triển… 

Lễ hội cầu mùa là một trong những nghi lễ văn hoá tâm linh có từ thời xa xưa của đồng bào Sán Chay.
Xôi ngũ sắc, thủ lợn, gà luộc, gạo, muối, đèn nến, hoa… là các lễ vật không thể thiếu mà bà con phải chuẩn bị từ hôm trước. 

Trong những ngày cầu mùa, ai nấy trong làng đều cẩn thận bày biện lễ vật lên một chiếc bàn đặt ở sân giữa hai nhà trâu đực (nhà đàn ông) và nhà trâu cái (nhà phụ nữ). Xôi ngũ sắc, thủ lợn, gà luộc, gạo, muối, đèn nến, hoa… là các lễ vật không thể thiếu mà bà con phải chuẩn bị từ hôm trước. Đặc biệt, cũng tại phần lễ này, một người đàn ông được dân làng tôn trọng và tin tưởng nhất sẽ được giao trọng trách vào vai chủ tế (thường là trưởng bản).

Sau 3 hồi trống đất vang lên, ông chủ tế xin âm dương bằng tiếng của dân tộc mình, với ý nghĩa: “Ngày hôm nay, tất cả người dân Sán Chay tụ lại ở lễ cầu mùa, để mong muốn các vị thần linh ở trên trời, dưới đất phù hộ, che chở cho bà con dân làng có những vụ mùa làm ăn thuận lợi và tốt tươi”.

Lễ vật được chấp nhận khi hồi trống dứt, kết thúc lễ cúng. Đây cũng là lúc diễn ra điệu múa Tắc Xình độc đáo. Nói thêm về điệu múa Tắc Xình, nó thường có tiết tấu đơn giản, ngôn ngữ múa dễ hiểu với động tác múa nguyên gốc không giống với những loại hình múa khác.

Điệu múa Tắc Xình thường có tiết tấu đơn giản, ngôn ngữ múa dễ hiểu với động tác múa nguyên gốc không giống với những loại hình múa khác

Nhạc cụ đơn giản chỉ là bộ gõ được làm chủ yếu từ tre hoặc gỗ nhưng lại tạo nên những tiếng phách rộn ràng. Hòa trong những tiếng phách tre là âm thanh của chiếc trống nhỏ, chập xeng, chiêng, kèn lá, quả chuông và trống đất - một loại trống rất đặc biệt của người Sán Chay. Âm thanh của tiếng trống đất thể hiện sự kết nối âm dương và xua đuổi tà ma, quái thú.

Múa Tắc Xình gồm các điệu: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ hay chim câu… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi; đồng thời mô phỏng động tác lao động, sản xuất trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào với mong muốn một cuộc sống bình yên, no đủ.

Những ngày đầu xuân, từ khắp các nẻo đường, ngõ xóm, không khó để nhận ra màu áo chàm sẫm với những chiếc thắt lưng đẹp như hoa rừng khoe sắc thắm rực rỡ trong gió xuân. Với người Sán Chay, Tết nguyên đán không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn là dịp gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã. Mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua câu hát Sình ca. Đó cũng chính là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Sán Chay tại Thái Nguyên mỗi độ Tết đến Xuân về.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu