20:48 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp xuất khẩu chịu áp lực khi đồng USD tăng giá mạnh

17:06 28/10/2022

(THPL) - Một số chuyên gia kinh tế nhận định, USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn (khoảng 60-70%) các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, diễn biến của USD tăng mạnh thời gian gần đây đã gây ra nhiều biến động cho thị trường xuất nhập khẩu.

Hiện nay, tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu đang phải căng mình gánh khoản chênh lệch không hề nhỏ.

Liên quan đến thông tin này, báo VTC News cho hay, đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm Sun Pharma, có trụ sở tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trong quá trình nhập hàng từ nước ngoài, doanh nghiệp và đối tác sử dụng tiền tệ là USD. Thông thường, hai bên sẽ thống nhất tỷ giá bằng cách căn cứ theo một ngân hàng nào đó hoặc là đôi bên cùng thỏa thuận một tỷ giá riêng phù hợp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh nghiệp này phải gánh khoản lỗ khi nhập các sản phẩm từ Mỹ bởi giá USD gần đây liên tục tăng cao. Cụ thể, Sun Pharma hiện đang nhập hàng của 2 nhà cung cấp Mỹ, với khoảng 100 mặt hàng khác nhau, chiếm tỷ lệ khoảng 47% nguồn hàng nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc họ đang phải chịu khoản chênh lệch tỷ giá với ít nhất 47% đơn hàng nhập khẩu.

Còn đại diện một doanh nghiệp chuyên phân phối mặt hàng thực phẩm đông lạnh như thịt bò, lợn, có trụ sở tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tỷ giá USD trong nước mới tăng mạnh những ngày gần đây, hiện thời chưa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, khoảng chục ngày nữa, khi container hàng tiếp theo cập bến thì chắc chắn giá thành sẽ bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp này cũng đã gửi thông báo về việc tỷ giá USD có thể làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm trong thời gian tới đến các nhà phân phối. Trong trường hợp chênh lệch tỷ giá tác động quá nhiều đến giá nhập hàng thì giá sản phẩm bắt buộc phải đẩy lên để tránh lỗ nặng.

Còn theo ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực nguyên liệu đồ uống) cho biết, tỷ trọng hàng hóa nhập ngoại của doanh nghiệp này không cao, chỉ có 2 mã hàng. Do đó, chênh lệch tỷ giá USD không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh. Nhưng đối với những công ty làm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, lượng đơn hàng nhập về thường xuyên theo tuần thì chắc chắn chênh lệch tỷ giá USD sẽ rất ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

Doanh nghiệp xuất khẩu chịu áp lực khi đồng USD tăng giá mạnh. Ảnh: Internet

Theo báo Dân Việt thông tin thêm, một trong những ngành đang gặp nhiều thách thức cả đầu vào lẫn đầu ra trước sức ép của tỷ giá đồng USD là dệt may. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho hay doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, khi giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải và phải gánh thêm khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.

"Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may cũng bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng USD biến động, chi phí nhập khẩu tăng cao, đầu ra không tăng, đơn hàng sụt giảm khiến một số doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ", ông Hồng, cho hay.

Ngay cả khi đồng USD tăng giá giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi nhưng về dài hạn sẽ gây ra nhiều khó khăn. Bởi vì USD tăng chủ yếu do tăng lãi suất nên khi lãi suất cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng chững lại… Đáng chú ý, biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái và lãi suất đồng USD tăng cao làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD.

Liên quan đến thông tin trên, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu biến động mở ra khả năng đẩy mạnh xuất khẩu cho Việt Nam và đây cũng chính là cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt có thể bước chân ra thị trường thế giới, khẳng định vị thế.

"Tình hình kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục biến động và chưa ổn định, vì vậy các doanh nghiệp cần phải theo sát tình hình, liên hệ chặt chẽ với lại các cơ quan nghiên cứu dự báo trước biến động để tìm ra cơ hội cho doanh nghiệp mình", TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

Trước những rủi ro có thể gặp phải của tỷ giá đồng USD, ông Doanh lưu ý, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch bệnh Covid-19 hay căng thẳng Nga - Ukraine. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.

Còn theo chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa, Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc thị trường xuất nhập khẩu rất nhiều, nên các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các biến động trên thị trường thế giới để có thể có chính sách ứng phó kịp thời. Theo ông Hòa, việc khai thác các thị trường Mỹ, EU thời gian tới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Lạm phát gia tăng, kinh tế đình đốn sẽ làm sức mua của các thị trường này giảm sút, chưa kể như ở Mỹ, khi các nhà máy mới "hồi hương" của họ đi vào hoạt động thì có thể họ sẽ không còn nhập nhiều các mặt hàng điện tử, vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây sẽ là một khó khăn khác mà doanh nghiệp Việt phải tính tới.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu