19:51 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thị trường lớn giảm đơn hàng, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mất gần 40% doanh thu

15:24 02/08/2022

(THPL) - Hiện giá tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát trên thế giới ở mức cao, hàng hóa trở nên đắt đỏ, nhu cầu các sản phẩm không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ. Điều này đã tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam với 80% sản lượng sản xuất để xuất khẩu.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là tháng thứ 2, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc.

Theo báo Công thương, trong khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ do các Hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends vừa tiến hành trong 2 tuần vừa qua: Trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).

Xu thế tương tự đối với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Thị trường lớn giảm đơn hàng, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mất gần 40% doanh thu . Ảnh minh họa

Hiện, gỗ và lâm sản của Việt Nam xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng 5 thị trường là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chính với tổng giá trị ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Thời gian qua, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm đã tác động đến hoạt động xuất khẩu của toàn ngành và cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ trong nửa cuối năm nay.

Cùng với thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác trong khối EU cũng đang đối mặt với lạm phát tăng cao nên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2022 sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng, khi tình hình lạm phát thế giới tăng cao khiến sức mua hàng giảm, chi phí vận chuyển tăng cao.

Tình hình trên đã khiến doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Theo ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch thường trực Hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, qua khảo sát nhanh trong tháng 7, giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30% khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm một nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp đóng cửa. Trong tháng 8, dự báo tình hình tiếp tục khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho biết: ngoài xuất khẩu dăm và viên nén sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng thì các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều sụt giảm đơn hàng hơn 40%.

Theo tạp chí VnEconomy, trước diễn biến trên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị các ngân hàng có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cụ thể, đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; cho vay tồn kho, tín chấp; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính có chính sách về thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ: giảm, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất; hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp.

Phía Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra đề nghị với các hiệp hội ngành gỗ, nên khuyến cáo đến các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường thường xuyên (đánh giá, hội thảo, báo cáo…). Kiến nghị các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ; liên kết nhằm giảm giá thành; tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường…

Trong diễn biến liên quan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cần tăng cường cập nhật thông tin thị trường một cách căn cơ, bài bản, phân tích thực trạng và nguyên nhân từ đó đưa ra những dự báo chính xác, các giải pháp ứng xử với từng thị trường.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: trong giai đoạn khó khăn hiện nay là cơ hội để đổi mới quản trị doanh nghiệp, sản xuất bài bản, căn cơ giúp giảm chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó là đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, liên kết vùng để tạo sự ổn định…

“Trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp ngành gỗ cần bình tĩnh, chia sẻ, liên kết, hỗ trợ nhau về thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị… qua đó nâng cao sức mạnh chung của ngành gỗ Việt Nam thay vì cạnh tranh”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Tú An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu