22:02 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lạm phát tại EU và Hoa Kỳ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn

Minh Anh (t/h) | 17:11 25/08/2022

(THPL) - Hiệu ứng dây chuyền từ các yếu tố lạm phát, rối loạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh… khiến sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới bắt đầu suy giảm. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam gặp khó.

Nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt đơn 15 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên hơn 232 tỷ USD, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm nay. Tuy nhiên, tình hình lạm phát ở các thị trường chính như châu Âu, Hoa Kỳ dự báo sẽ là thách thức cho nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam như dệt may, linh kiện điện tử, phụ tùng… trong những tháng cuối năm.

Hiệu ứng dây chuyền từ lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch bệnh… khiến sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới suy giảm. Ngoài ra, trong dịch COVID-19, chuỗi cung ứng rối loạn, một số nhà mua hàng đã tranh thủ tích trữ khi có cơ hội dẫn đến nhiều chuỗi bán lẻ hiện bị tồn rất nhiều hàng. Dệt may cũng bị tác động tương tự.

Theo thông tin từ Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, tình trạng tồn kho đang xảy ra ở các hệ thống bán lẻ của đối tác, tại các cảng và kho hàng của doanh nghiệp sản xuất.

Các doanh nghiệp sản xuất hiện đang phải tính đến các biện pháp như thu hẹp quy mô trước mắt để ổn định thu nhập cho người lao động, triển khai các hoạt động tiếp thị, giữ nguồn nguyên liệu, sản xuất, giữ tồn kho chờ thị trường phục hồi…

Lạm phát tại EU và Hoa Kỳ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó. Ảnh: Internet

Báo Chính phủ đưa tin, dự đoán tình hình lạm phát, sức mua yếu ở EU và Hoa Kỳ sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc VitaJean cho biết, doanh nghiệp của ông buộc phải giảm công suất sản xuất, duy trì 4-5 ngày làm việc mỗi tuần. Thậm chí dừng hẳn việc sản xuất đón đầu xu hướng thời trang vì lo ngại sức mua tại EU và Hoa Kỳ khó phục hồi, trong khi hàng thời trang tồn kho sẽ khó tiêu thụ khi qua mùa.

Các doanh nghiệp gỗ thuộc Hawa cũng chọn giải pháp tương tự, giảm quy mô sản xuất, thậm chí đóng cửa một số phân xưởng. Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, trong tình cảnh này, chuỗi gia công bên ngoài nhà máy thường không được ưu tiên, các doanh nghiệp sẽ chọn cắt giảm chuỗi này.

Cái khó với các doanh nghiệp khi giảm quy mô sản xuất là giữ lực lượng lao động. Ông Việt cho biết, khi sản xuất ổn định, thu nhập trung bình của công nhân dệt may ở khu vực TPHCM cao nhất có thể đạt 13 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu không tăng ca thì giảm 20% thu nhập, mỗi tuần nghỉ một ngày thì thu nhập tiếp tục giảm thêm 15%.

"Vừa rồi chúng tôi phân tích thì doanh nghiệp tại khu vực TPHCM khả năng trả cao nhất cho người lao động ở mức 8 triệu đồng. Tiền thuê nhà, vào năm học mới, tất tật thì mức ấy anh em không đủ sống. Nhưng doanh nghiệp không còn lựa chọn khác, hiện như VitaJean đang tồn hàng hơn 3 tháng bên phía đối tác Hoa Kỳ", ông Việt chia sẻ.

Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, cùng chung nhận định về lạm phát, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam những tháng tới sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chậm lại, do nhu cầu tại các thị trường lớn giảm sút.

Cụ thể, 43% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến từ máy móc thiết bị, linh kiện điện tử đóng góp chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI. Trong khi đó tổng công ty lớn như Samsung (chiếm 50% tỷ trọng đóng góp giá trị xuất khẩu hàng điện từ của khối này) lại đang thu hẹp sản xuất, cắt giảm số ngày làm việc của công nhân từ 5 ngày/tuần xuống 3 ngày/tuần và khuyến khích các kỳ nghỉ cho công nhân tại nhà máy Việt Nam.

Một lo ngại nữa đó là đà tăng giá của mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản, gạo, thép,… có thể sẽ chững lại hoặc đảo chiều trong thời gian tới khi nguồn cung dồi dào.

Bên cạnh đó, theo KBSV, việc đồng VND tăng giá so với các đồng tiền của đối tác thương mại (do neo theo USD), khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam giảm tính cạnh tranh.

Còn theo các chuyên gia của CTCP Chứng khoán VNDirect, nguyên nhân khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chậm lại không chỉ là nhu cầu của thế giới giảm tốc mà còn do việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

"Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn trong nửa cuối năm 2022", VN Direct dự báo.

Trong đó, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến, giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Trung Quốc gây thêm lo ngại về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Điều đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, như trường hợp của Samsung, đã phải điều chỉnh kế hoạch sản lượng trong năm nay.

Do đó, VN Dircet dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022 và đạt 14% cho cả năm 2022.

Không những vậy, với lo ngại về lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính vẫn đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cảnh báo đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ hai liên tiếp chứng kiến GDP suy giảm. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu