21:45 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu, vực dậy các ngành sản xuất

11:25 08/05/2023

(THPL) – Hiện nay, để ứng phó với khó khăn, các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu để vực dậy nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước quý đầu năm nay đạt 3,32% là thấp. Điều này do dư âm từ những khó khăn trước đây. Cụ thể như chuỗi cung ứng toàn cầu bị khó khăn ngay từ những năm có đại dịch Covid-19 cho đến nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.  

Đơn cử, hiện nay đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may ở khu vực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, hay Bà Rịa- Vũng Tàu đều giảm mạnh. Tại Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có gần 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, và hầu hết đều ghi nhận kim ngạch giảm sút do thiếu đơn hàng. Chẳng hạn như Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam hiện mỗi tháng chỉ xuất khẩu khoảng 3.000 tấn sản phẩm sợi các loại, giảm 50% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu, vực dậy các ngành sản xuất. Ảnh: Internet

Với ngành thuỷ sản, xuất khẩu tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD. Hiện tại theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước này suy giảm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều. Việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền chậm về.

Với các ngành khác như gỗ, da giày hay nhựa, cao su… tình cảnh cũng không khá khẩm hơn và đa phần doanh nghiệp đang chịu cảnh “ăn đong” đơn hàng để duy trì việc làm.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, theo chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh đánh giá, kết quả tăng trưởng trong quý 1/2023 có 3 điểm rất đáng lưu ý. Thứ nhất, liên quan tới khu vực sản xuất công nghiệp. Ngay cả khi nền kinh tế trải qua những cú sốc lớn về khủng hoảng hay dịch bệnh thì cũng gần như chưa bao giờ thấy ngành công nghiệp tăng trưởng âm sâu đến như thế. Mức sụt giảm nghiêm trọng diễn ra ở hầu hết các trung tâm công nghiệp của cả nước. Điển hình nhất như trung tâm công nghiệp lớn ở phía bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; phía nam không chỉ TP.HCM mà cả Bình Dương, Đồng Nai cũng chứng kiến mức tăng trưởng âm rất sâu ở khu vực công nghiệp.

Thứ hai, về lĩnh vực xuất khẩu, ngay cả trong thời gian dịch bệnh thì xuất khẩu cũng vẫn tăng trưởng dương, nhưng quý 1/2023 xuất khẩu tăng trưởng âm rất sâu trong khi thị trường quốc tế hiện nay khởi sắc nhiều hơn so với giai đoạn dịch bệnh.

Vấn đề thứ ba rất đáng quan tâm là mức tăng trưởng GDP 3,32% chỉ cao hơn so với quý 1/2020 - khi mà cả thế giới đang đối mặt với cú sốc dịch bệnh Covid-19. Trong khi bước sang năm 2023, kinh tế không có cú sốc nào. "Đó là 3 điểm nổi bật của nền kinh tế trong quý 1 vừa qua mà Chính phủ phải phân tích, lý giải. Lý do gì mà những khu vực trên lại tăng trưởng âm sâu đến thế?", TS Ánh đặt vấn đề.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tổ chức ngày 25/4 ở TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại… làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng, thông qua việc tổ chức các cuộc giao ban định kỳ giữa các Thương vụ với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước, cũng như đại diện các địa phương trong nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu cần đổi mới nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm khai thác và thúc đẩy các chuỗi cung ứng, lưu thông, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là những chính sách và động thái chính sách mới của các nước để có thông tin và tham mưu cho cấp có thẩm quyền, tư vấn cho Hiệp hội ngành hàng, cho các doanh nghiệp có những phản ứng chính sách phù hợp.

Tuấn Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu