16:39 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Điều ít người biết bên trong tuyệt tác Cửu Phẩm Liên Hoa ở chùa Côn Sơn

14:19 14/02/2017

THPL – Chùa Côn Sơn (tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự), tục gọi là chùa Hun, tọa lạc ở xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Được khởi dựng vào thế kỷ thứ X, đến thế kỷ XIII thì chùa trở thành trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Ngọc phả của chùa còn ghi: “Ở Côn Sơn Thánh Tổ Huyền Quang lập ra Cửu Phẩm Liên Hoa, giảng các phẩm kinh để truyền cho hậu thế”.

Căn cứ vào ngọc phả còn lưu giữ thì toà Cửu phẩm Liên hoa được Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang cho dựng năm 1330 vào thời Trần. Sau hơn 300 năm tồn tại, đến thời Lê, toà Cửu phẩm bị tàn phá. Sau đó, Quốc sư Mai Trí Bản (hiệu là Huệ Pháp, tự Pháp Nhẫn) dựng lại.

Dấu tích trụ móng toà Cửu phẩm Liên hoa trong lần khai quật năm 2012. Móng thời Trần (thế kỷ XIV) vạch liền, móng thời Lê (thế kỷ XVII) vạch đứt  - ảnh tư liệu.

Văn bia niên hiệu Hoàng Định thứ 15 (1614) có ghi: “Việc hưng công sửa chữa chùa của Thánh tổ họ Mai được tổng kết gồm tôn tạo Cửu phẩm Liên hoa, nhà Thiêu hương, Tiền đường, hành lang trái phải đằng trước, hành lang trái phải đằng sau, trùng tu Tam quan, thượng điện cộng đến 83 gian, làm mới các chư Phật trên Cửu Phẩm tới 385 vị”. Đáng tiếc, toàn bộ toà Cửu phẩm Liên hoa cùng các công trình khác của chùa Côn Sơn lại một lần nữa bị tàn phá bởi chiến tranh chống thực dân Pháp kéo dài từ thế kỷ XIX đến khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ chấm dứt. 

Hiện trường khai quật năm 2014 của Viện Khảo cổ - ảnh tư liệu.

Năm 2012 và 2014, Viện Khảo cổ và Ban Quản lý di tích Côn Sơn đã khai quật, phát lộ dấu tích kiến trúc hoàn chỉnh của toà Cửu phẩm Liên hoa qua hai thời kỳ xây dựng (thời Trần và thời Lê) và nhiều hiện vật gốm sứ như ngói mũi hài kép, gạch Bát Tràng, mảnh tháp đất nung thời Trần …   

Năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư tu bổ toà Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn. Kiến trúc toà Cửu phẩm Liên hoa gồm cây Phẩm 9 tầng và nhà Phẩm 3 tầng 12 mái. Công trình hoàn toàn sử dụng các vật liệu truyền thống như gỗ lim, gạch Bát Tràng, ngói mũi hài kép phục chế, đá xanh Thanh Hoá ... 

Toà Cửu phẩm Liên hoa có trục chịu lực là cây gỗ lim cao 9,7m, đường kính 0,55 m, được dựng liên kết với ổ bi (chịu lực 130 tấn). Trên cùng cây Phẩm là Đức Phật A Di Đà toạ thiền trên đài sen, phía trên Đức Phật là bông sen lớn rủ xuống như lọng vàng. Các mặt Cửu phẩm đều bài trí tượng Đức Phật A Di Đà ở giữa, thị giả bên trái là Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, bên phải là Đức Phật Đại Thế Trí Bồ Tát. Tổng cộng có 219 tượng chư Phật được bài trí trên cây Phẩm, sơn son, thiếp vàng lộng lẫy.

Cửu phẩm Liên hoa là một trong những tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo. Theo quan niệm của Phật giáo, đây là biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi Niết Bàn, nơi Đức Phật A Di Đà thường ngự. Ngài ngự ở hàng cao nhất của Cửu phẩm, dùng ánh sáng vô lượng, công lực vô biên phổ chiếu, cứu độ chúng sinh, tiếp dẫn thế gian về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Bên dưới của chín phẩm là nơi dành cho ngã quỷ, súc sinh, người gây tội ác ngũ nghịch, thập ác, phá trai phạm giới, trộm cắp... Tuy nhiên, cuối đời hoặc trong giây phút lâm chung thấy những cảnh khổ nơi A Tỳ Địa Ngục mà hối lỗi, nhờ phúc lành gặp được chư thiện tri thức khuyên nhắc quay đầu quy y Phật, từ bỏ bến mê trở về bờ giác mà được cứu vớt khỏi tội lỗi, linh hồn được siêu thoát về với toà Cửu phẩm Liên hoa của Tây phương Cực lạc.

Hãy cùng chúng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của toà Cửu phẩm Liên hoa tại chùa Côn Sơn. 

Toà Cửu phẩm Liên hoa được xây dựng đúng trên nền móng cũ được khai quật.
 
Toàn bộ nhà Phẩm trông như một bông sen đang nở với ba lớp cánh, tạo điểm nhấn cho chùa Côn Sơn.
 
Toà Cửu phẩm Liên hoa hiện ra uy nghiêm, tráng lệ ngay khi bước chân vào cửa chính.
Trụ Phẩm gồm 9 tầng, trên tầng thứ 9 có trang trí 8 đầu rồng uốn cong dạng long đình quay ra 8 hướng.
Cận cảnh một ô bài trí tượng chư Phật trên Cửu phẩm Liên hoa.
Hai bên toà Cửu Phẩm bài trí hai pho tượng Đức Phật A Di Đà cao 1,27m toạ thiền trên bệ đá.
Chân bệ dựng liên kết với ổ bi (chịu lực 130 tấn).
Giải vật truyền thống được tổ chức ngoài sân chùa thu hút đông đảo khán giả theo dõi.
Bức ảnh Bác Hồ đọc bia Côn Sơn Phúc Tự Bi ngày 15/2/1965 đã trở thành một biểu tượng văn hoá xứ Đông. 
Bia Côn Sơn Phúc Tự Bi dựng năm 1607, đời vua Lê Kính Tông, là bia dạng lục giác rất hiếm có ở nước ta.

Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu