17:47 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đến 2030, Hà Nội chỉ hạn chế xe máy chứ không cấm hẳn

| 14:57 24/07/2017

(THPL) - "Đến năm 2030, thành phố không cấm xe máy mà chỉ hạn chế ở một số khu vực lõi thuộc các quận nội thành", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ.

Sáng nay (24/7), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến liên quan đến nghị quyết của HĐND TP về quản lý phương tiện giao thông

"Thành phố không cấm xe máy mà chỉ hạn chế ở một số khu vực lõi thuộc các quận nội thành", ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. (Ảnh: Võ Hải)

Theo ông Chung, để thực hiện nghị quyết nêu trên, thành phố lên kế hoạch xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (Metro) và đã được Thủ tướng đồng ý; hiện có 3 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhà đầu tư trong nước cho biết sẽ đầu tư vào các dự án Metro của Hà Nội.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển mạnh giao thông công cộng, tăng thêm 1.000 đến 1.500 xe buýt từ nay đến năm 2030 với nhiều loại hình; sớm triển khai dịch vụ xe đạp công cộng...

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc thành phố cấm phương tiện tại khu vực tổ chức không gian đi bộ hồ Gươm thời gian qua cũng là "bước thí điểm hạn chế phương tiện cá nhân tại khu vực trung tâm".

Cử tri Trần Ngọc Toán. (Ảnh: VD)

Tại cuộc tiếp xúc, một số cử tri bày tỏ đồng tình với đề án quản lý phương tiện giao thông của thành phố, tuy nhiên có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc cấm xe máy tại các quận nội đô từ năm 2030.

Cho rằng việc cấm xe máy khó khả thi, ông Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nêu hàng loạt vấn đề: Hiện hạ tầng giao thông kém, hầu hết người dân có mức thu nhập trung bình chủ yếu tích cóp mua xe máy để thuận tiện đi lại vào những nơi ngõ hẻm, sâu, dễ tìm chỗ để bảo quản tài sản. Đồng thời, phương tiện công cộng trên ở thành phố hiện chưa đáp ứng nhu cầu, giờ cao điểm còn chen chúc, bỏ chuyến...Ngay cả khi dự án BRT vội vàng chiếm 1/3 mặt đường cho một chiếc xe chạy, nhưng không nhanh hơn được bao nhiêu bởi đến ngã ba, ngã tư vẫn phải dừng chờ đèn đỏ.

Ông Toán cũng đặt câu hỏi: “Nếu cấm xe máy người dân đi lại bằng gì? Cấm xe máy chẳng khác gì chỉ bảo vệ cho người giàu đi ôtô”. Ông Toán kiến nghị cơ quan chức năng cần khảo sát số lượng xe máy của từng gia đình, có lộ trình loại bỏ xe cũ nát, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân và quản lý ôtô cá nhân như đối với xe máy và hạn chế thấp nhất việc xây dựng nhà cao tầng để bán căn hộ trong các quận nội thành...

Trước đó, ngày 4/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.

Theo nghị quyết, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Minh An

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu