00:17 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cước vận tải biển "hạ nhiệt", bớt khan hiếm container rỗng

18:38 26/09/2022

(THPL) - Theo nhiều doanh nghiệp logistics, giá cước vận tải đường biển đang "hạ nhiệt", tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng đã thuyên giảm, không căng thẳng như trước. Điều này đã giúp các doanh nghiệp giảm áp lực chi phí và có thêm đơn hàng.

Theo tạp chí VnEconomy, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, cuối năm 2021, cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ khoảng 15.000-17.000 USD/container 40 feet, nhưng hiện nay chỉ khoảng 11.000 USD. Tương tự, đối với tuyến vận tải Hải Phòng – TP.HCM, cước vận tải dao động khoảng 9,2-10,5 triệu đồng/container 20 feet và 12,4-15,7 triệu đồng/container 40 feet (tùy loại). Chiều TP.HCM - Hải Phòng thấp hơn, khoảng 6-10 triệu đồng/container 20 feet và 9-15,4 triệu đồng/container 40 feet.

Một số đại lý vận tải cho biết, giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu... hiện nay vào khoảng 60 triệu đồng - 100 triệu đồng/container, giảm 1/3 so với mức giá đỉnh năm 2021 từ 230 triệu đồng - 300 triệu đồng/container. Giá cước chặng Việt Nam - Trung Quốc cũng đã giảm từ khoảng 30 triệu đồng - 50 triệu đồng/container xuống còn khoảng 8 triệu đồng -15 triệu đồng/container.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Diamond Star Logistics, nói: "Giá cước giảm cũng giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn trong việc đặt tàu, đặt chỗ máy bay, lưu thông hàng hoá cũng nhanh hơn, giảm thiểu thiếu nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất như giảm được chi phí đầu vào".

Cước vận tải biển hạ nhiệt, tình trạng khan hiếm container rỗng thuyên giảm. Ảnh minh hoạ

Theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, giai đoạn trước giá cước vận tải tăng đột biến chủ yếu do kẹt cảng và tình trạng thiếu nhân công ở những cảng lớn. Những khó khăn này đã được tháo gỡ. Giá cước dự báo sẽ tiếp tục ổn định.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương dự báo: "Thời gian tới, lượng tàu đóng mới cũng tăng lên làm tăng số chỗ trên tàu, do đó, điều này cũng làm cho giá cước hạ xuống". 

Theo báo Tuổi trẻ, bà Lâm Thị Thanh Bông - Giám đốc Karl Gross Logistics Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu hàng hóa cuối năm cao hơn nhưng giá cước vận chuyển tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tình hình thế giới trong đó có chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc. Dù giá cước giảm nhưng vẫn chưa thể quay trở lại mức bình thường như trước dịch.

Còn theo ông Nguyễn Tương - cố vấn cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, hiện giá cước đã giảm nhưng vẫn cao so với thời điểm trước dịch bệnh. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển nên giá cước neo cao sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong nửa cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp logistics cho rằng, thị trường vận tải năm nay được kỳ vọng tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào đội tàu chuyển hàng tuyến quốc tế. Ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng giá cước vận chuyển giảm nhưng vẫn còn chậm. 

Ngoài ra, chi phí lưu kho bãi cũng tăng do nhu cầu lưu kho bãi tăng trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng, nhân lực thiếu và giá bất động sản tăng cao… Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó để hạ nhiệt logistics giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu