11:28 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Công viên Thủ Lệ - khi “lá phổi” tiếp tục bị co hẹp...

09:04 10/03/2023

(THPL) - Một số công trình xây dựng đã và đang hoàn thành tại công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) khiến cho “lá phổi” xanh nơi đây trở nên thêm ngột ngạt, gây bức xúc cho người dân. Liệu chủ trương xây dựng những công trình này có hợp lý?

Công viên Thủ Lệ (tên xưa thường gọi Sở Thú) được khởi công xây dựng năm 1976 thế kỷ trước có diện tích hơn 28 ha, trong đó 6 ha là hồ nước, còn lại là đất nền, bố trí các khu vui chơi, vườn thú. Công viên nằm bên trong khuôn viên có một mặt hồ lớn, với một dải đất hình oval giống như giọt nước mắt. Đó cũng là nguồn gốc của cái tên Thủ Lệ, mang ý nghĩa giữ lấy giọt lệ ở bên trong.

Theo dư địa chí, công viên Thủ Lệ nằm trọn trong địa phận làng Thủ Lệ, ngôi làng cổ thời nhà Lý với sự tích đền Voi Phục và thần Linh Lan, nên đây không chỉ là một địa điểm vui chơi giải trí của người dân mà là một di tích lịch sử của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Tại đây, cũng trưng bày và nuôi giữ trên 500 cá thể động vật thuộc 76 loài. Với nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam như hổ Đông Dương, báo lửa, báo gấm, công, gà lôi lam mào trắng, gà lôi vằn, vượn đen má trắng, dấu ngựa, voi Châu Á, hoẵng sao, hiêu cao cổ...

Công viên Thủ Lệ nằm trọn trong địa phận làng Thủ Lệ, ngôi làng cổ thời nhà Lý (Ảnh: internet)

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Công viên Thủ lệ ngoài tính văn hóa riêng biệt của TP Hà Nội còn “lá phổi” xanh giữa một đô thị đông đúc sầm uất. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do sự phát triển của đô thị, không gian xanh ấy luôn bị co hẹp cơ học, bởi các công trình thương mại dịch vụ, nhà hàng, bãi đỗ xe, khu vui chơi tràn lan cho thuê, lều quán... Sự ngột ngạt hiện nay càng khiến người dân bức xúc.

Cụ thể, đập vào mắt người dân là 2 công trình hoành tráng đã và đang xây dựng trên nền khu nuôi hổ, gấu trước đây (từ đường Đào Tấn đi vào), khiến quần thể khu cổng vào công viên trở nên rất chật hẹp. Ngày cuối tuần, khách tham quan chen chúc, xuyên qua những dãy nhà và hàng quán. Bà Hoàng Thanh Mai (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) bức xúc cho biết, nơi đây trước kia là hơn chục chuồng nuôi giữ động vật quý hiếm như hổ, gấu, không gian thoáng đãng, các con tung tăng chạy nhảy dù lượng khách cuối tuần đông là mấy. Nay, thay thế là một trạm biến áp điện quy mô như biệt thự và một cung xây dựng cao ngất. Những tòa xây dựng này, kết hợp với hàng quán, khu vui chơi xung quanh khiến người dân cảm tưởng như lạc vào khu đô thị, thay vì là một công viên đúng nghĩa.

Trạm biến áp điện quy mô như biệt thự (ảnh TV)

Theo quan sát, trạm biến áp được xây lắp bởi Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội có quy mô hoành tráng, tường bao chắn song cao 3m, trông không khác một nhà thi đấu thu nhỏ. Sát vách là một công trình đang được xây dựng với nhiều khối lập thể trên tổng thể diện tích chuồng cọp cũ thời xưa. Hiện các công trình trong Công viên Thủ Lệ vẫn đang được thi công, sửa chữa. Công viên Thủ Lệ vẫn tiếp tục mở cửa đón khách thăm quan. Ông Tô Văn Khu, 72 tuổi (Bà Triệu, Hai Bà Trưng) cho biết, nhắc đến Sở Thú, thế hệ lớn tuổi coi đây như điểm tham quan tâm linh, tìm cảm giác không gian cây cối, hồ nước tĩnh lặng mát mẻ. Đối với con cháu là nơi chiêm ngưỡng các động vật quý hiếm, nơi nghỉ ngơi dịp cuối tuần. Nay nhãn tiền là nhà tầng, trạm biến áp đồ sộ, các khu vui chơi cho thuê lấy tiền sat sát chiếm dụng nhiều diện tích đất. Chưa kể hàng quán, ki ốt mọc lên như nấm, rác thải bộn bề. Hỏi mười người thì tất cả có lẽ đều lắc đầu ngán ngẩm vì sự ngột ngạt càng trở nên trầm trọng.

Công trình xây dựng hoành tráng đang co hẹp lá phổi xanh Thủ Lệ (ảnh TV)

TSTrần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, từng chất vấn lãnh đạo TP khi chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của phần không gian xanh đối với đời sống của người dân đô thị. Theo ông, chỉ tiêu không gian xanh của nhiều đô thị trên thế giới là 9-10 m2/người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhiều quận, huyện của Hà Nội chưa được 2m2/người. “Thành phố đang thiếu diện tích đất cây xanh, công cộng một cách trầm trọng. Điều đáng nói các diện tích cũ không được nhân thêm hay cũng lắm được giữ nguyên, mà thay vào đó là sự co lại do các nguyên nhân chủ quan. Có lẽ, giữ được hiện trạng xưa may ra là công viên Thống Nhất, hay vườn Bách Thảo Hà Nội", ông Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng với nhiều dự án công viên hiện nay, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình thực hiện. Nhưng thực tế triển khai, các chủ đầu tư lại cơi nới, tăng diện tích để làm các công trình thương mại dịch vụ khác như nhà hàng, bãi đỗ xe...Công tác quản lý thực sự có vấn đề.

Hiện hệ thống công viên, vườn hoa của Hà Nội gồm 3 loại hình bao gồm 19 công viên văn hóa tổng hợp (chiếm khoảng 29%), 4 công viên chuyên đề (chiếm khoảng 6%), và 43 vườn hoa, vườn dạo (chiếm khoảng 65%).

Việc quản lý thực hiện theo phân cấp rất rõ ràng từ năm 2016. Cụ thể, Sở Xây dựng quản lý, duy tu, duy trì các công viên cấp thành phố (Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình, Thống Nhất, Tuổi trẻ...), UBND các quận, huyện quản lý duy tu, khai thác công viên, vườn hoa, thảm cỏ trong khu dân cư, dải phân cách trên những tuyến đường khu vực theo địa bàn hành chính do quận, huyện được giao quản lý và chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đô thị mới quản lý quỹ đất cây xanh trong phạm vi dự án.

Theo kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, công viên Thống Nhất được nghiên cứu theo hướng mở trong khi công viên Thủ Lệ và Bách Thảo do có tính chất đặc thù bảo tồn chim, thú, cây quý nên được cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn có hàng rào như hiện nay.

Tuấn Việt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu