10:21 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chiến lược và cách nhìn mới về xây dựng Thương hiệu sản phẩm

Phương Anh | 09:21 15/02/2021

(THPL) - Trong một thế giới dường như ngày càng chật chội, làm sao để một thương hiệu mới có thể thu hút sự chú ý và sau đó tạo được vị thế cạnh tranh nổi bật? Chìa khóa nằm ở phương thức tiếp cận kỹ thuật số.

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy xây dựng thương hiệu

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến doanh nghiệp gặp vô số thách thức trong việc tiếp cận khách hàng và đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi cách thức xây dựng thương hiệu theo kiểu truyền thống. Cần phải nhanh chóng thay đổi cách làm để thích ứng với các thách thức ngắn hạn đồng thời đi kèm với chiến lược dài hạn trong việc xây dựng thương hiệu trong thời đại dịch và số hóa.

Xây dựng chiến lược thương hiệu có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Minh Tuyền 

Sự kết nối thông qua mạng lưới truyền thông xã hội đã thay đổi toàn diện cách thức các thương hiệu tiếp cận người dùng. Năm 2020, đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đã ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các lĩnh vực, trong đó, có cả cách thức doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Đại dịch ẩn chứa nhiều bất ổn, một mặt trở thành chất xúc tác thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh hơn nữa, một mặt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy xây dựng thương hiệu sang cách thức phù hợp trong bối cảnh mới.

Theo kết quả  nghiên cứu do IBM thực hiện với 3.450 giám đốc điều hành cao cấp toàn cầu (C-suite Study 2020) đang lãnh đạo trong 22 ngành công nghiệp tại 20 quốc gia thì trung bình đang có 6 trong 10 tổ chức đã phải tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số do đại dịch Covid-19. Có đến 60% doanh nghiệp phải thay đổi vĩnh viễn chiến lược của tổ chức mình, đồng thời phải điều chỉnh cách thức tiếp cận để quản lý sự thay đổi.

Các yếu tố bất định của đại dịch đã giúp phá vỡ các rào cản truyền thống trước đây như sự non kém về công nghệ và sự phản đối của nhân viên trong doanh nghiệp đã không còn

Nghiên cứu cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đang thay đổi vĩnh viễn chiến lược. 94% giám đốc điều hành cho biết họ có kế hoạch tham gia vào các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số vào năm 2022 và sẽ tăng cường gia nhập vào các hệ sinh thái và mạng lưới đối tác.

Các giám đốc điều hành cũng cho biết trong hai năm tiếp theo mức độ ưu tiên của công nghệ AI sẽ tăng 20%; đồng thời họ có kế hoạch tăng 20% mức độ ưu tiên cho công nghệ điện toán đám mây, với hai bộ phận được ưu tiên hàng đầu là quan hệ khách hàng và bộ phận tiếp thị.

60% giám đốc điều hành cho biết họ đã tăng tốc tự động hóa quy trình và sẽ ứng dụng tự động hóa vào mọi chức năng kinh doanh. Trong khi 76% cho biết đang có kế hoạch ưu tiên cho an ninh mạng - tăng gấp đôi so với việc triển khai công nghệ hiện nay.

Chiến lược thương hiệu: Nhanh gọn, chính xác và hiệu quả đến từng khách hàng

Hiện nay, trong bối cảnh thói quen và thị hiếu tiêu dùng thay đổi nhanh chóng với nhiều xu thế khác nhau, đòi hỏi đa dạng tiện ích, trải nghiệm mới, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải thay đổi cách khách hàng tương tác tới thương hiệu, thay đổi cách tiếp cận thị trường, tận dụng cơ hội kinh doanh trực tuyến để thúc đẩy và phát triển thị trường.

Ông Vũ Xuân Trường, Chuyên gia thương hiệu, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (Bộ Công thương) chia sẻ, doanh nghiệp phải coi thương hiệu là vũ khí cạnh tranh và thay đổi tư duy, có tầm nhìn mới về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chiến lược thương hiệu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cũng như chú trọng phát triển các sản phẩm nội địa để phát huy rõ nét tinh thần “thương hiệu Việt”.

Nếu như trước đây những sản phẩm được tin dùng nhờ tiêu chí ‘‘ăn chắc mặc bền” thì hiện nay điều đó không còn là ưu tiên số một trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ nữa, đặc biệt là các bạn trẻ. Thay vào đó, sản phẩm, dịch vụ phải bắt kịp xu hướng và trở nên tiện dụng hơn. Điều đó thúc ép doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược quảng bá thương hiệu cho phù hợp: nhanh gọn, chính xác và hiệu quả đến từng đối tượng khách hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Trường, người tiêu dùng trong mọi độ tuổi, thế hệ giờ đây đều đang cố gắng và ưu tiên các mặt hàng thân thiện với môi trường hơn. Đồng thời, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thương hiệu thể hiện trách nhiệm xã hội vì các thương hiệu này khiến họ cảm thấy mình mua hàng có mục đích hơn.

Ngoài ra, hình ảnh trực quan hoá có khả năng khơi gợi hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng mà không tạo cảm giác làm phiền họ. Hầu hết người tiêu dùng dành nhiều thời gian cho các mạng xã hội, nơi hình ảnh đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Điển hình như mạng xã hội Tiktok của Trung Quốc, mỗi video chỉ kéo dài 60 giây nhưng tất cả các tin tức thời sự, các vấn đề nóng đều được cập nhật một cách nhanh nhất, đánh mạnh vào tâm lý của người xem.

Phương Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu