02:46 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Châu Âu là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm Việt Nam

| 06:55 08/01/2018

(THPL) - Các thị trường truyền thống của tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có sự thay đổi “ngôi thứ” trong năm 2017. Năm 2017 cũng được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD.

Theo báo Dân Việt, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù diễn biến thị trường nhiều bất lợi nhưng hết năm 2018, đã có 3,8 tỷ USD được mang về từ xuất khẩu tôm. Trong đó, châu Âu vươn lên thay thế Mỹ, dẫn đầu thị trường nhập khẩu của tôm Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu tôm vào EU trong 11 tháng năm 2017 đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

xuất khẩu tôm, tôm Việt Nam, thị trường EU
Sang năm 2018, nhiều chính sách liên quan đến xuất khẩu tôm có hiệu lực, tạo lợi thế cho tôm Việt Nam. Ảnh: Báo Dân Việt

Tại khối EU, có những thị trường tăng vượt bậc trong năm qua như Hà Lan tăng đến 70,5%, đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, Việt Nam có thể chen chân mạnh mẽ vào thị trường EU trong năm qua nhờ các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Thái Lan gặp các vấn đề về kháng sinh, thuế… khi xuất khẩu tôm vào EU.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.

Không chỉ EU, thị trường Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có sự “đổi ngôi” thứ vị trong nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2017. Mỹ là thị trường sụt giảm duy nhất trong nhóm các thị trường chính của tôm Việt khi 11 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu khoảng 610 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường truyền thống của tôm Việt, với mức tăng trưởng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, VASEP đánh giá, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1.2018.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1/12/2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc khi nhu cầu ở thị trường này tăng mạnh.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa tết âm lịch sắp tới. Một số doanh nhân Trung Quốc còn đến tận ao nuôi các nước lân cận để tìm mua hàng với khối lượng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, lượng tôm thẻ châm trắng nuôi tại Trung Quốc đã giảm 2/3 do gặp các bất lợi về thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này tăng mạnh.

Cũng theo ông Hòe, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, sự thay đổi ngôi thứ này cũng có thể kéo dài sang năm 2018, khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, theo đó, vào trung tuần tháng 1, Tập đoàn Việt - Úc sẽ chính thức thả giống và đưa vào hoạt động khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Khu phức hợp này có diện tích 315 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự án bao gồm khu sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Sản lượng sản xuất tôm dự kiến đạt trung bình 120-300 tấn/ha/năm với mật độ thả 500 con giống/m2.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, khu phức hợp 315 ha nêu trên nằm trong tổng thể của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm quy mô 418 ha của tỉnh. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, khu phức hợp này sẽ tạo công ăn việc làm cho 2.000 người lao động địa phương. Đây cũng là một điển hình trong xu hướng đầu tư mới đã được Chính phủ xác định và chọn tỉnh Bạc Liêu triển khai, để tiến tới thực hiện mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ đô la Mỹ tôm vào năm 2025.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu