18:16 ngày 18/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Châu Á sẽ có 5 đại diện trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới

21:55 27/12/2017

(THPL) - Với xu thế phát triển hiện nay, đến năm 2032, châu Á sẽ có 5 đại diện trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi các nền kinh tế châu Âu đồng loạt tụt hạng và Mỹ mất vị trí đứng đầu.

Trên đây là dự báo của các chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu các hoạt động doanh nghiệp và kinh tế có trụ sở tại London (Anh).

Theo báo Người lao động, trang Bloomberg ngày 26/12 dẫn báo cáo mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), trụ sở ở thủ đô London - Anh, cho thấy sự phát triển vượt bậc của nhiều nền kinh tế châu Á trong những năm tới khiến các nền kinh tế phương Tây tụt lại phía sau.

Trung Quốc sẽ soán ngôi vị trí số một thế giới vào năm 2032. Ảnh minh họa: Reuters
Trung Quốc sẽ soán ngôi vị trí số một thế giới vào năm 2032. Ảnh minh họa: Reuters

Bảng xếp hạng kinh tế thế giới 2018 của báo cáo nêu trên đã khắc họa một tầm nhìn lạc quan về kinh tế toàn cầu, được thúc đẩy bởi năng lượng và công nghệ giá rẻ. Trong đó, sự "leo thang" thần tốc của Ấn Độ dẫn đầu xu hướng các nền kinh tế châu Á ngày càng thống trị tốp 10 nền kinh tế lớn nhất trong 15 năm tới. 

Ngay trong năm 2018, Ấn Độ sẽ "nhảy cóc" trong bảng xếp hạng, vượt qua Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Đến năm 2027, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt mặt một đại diện khác của lục địa già là Đức để vươn lên vị trí thứ 3.

Vào năm 2032, 3 trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều nằm ở châu Á, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Lúc này, Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ để giành vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Do tác động từ chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump không đến nỗi xấu như dự tính, Mỹ sẽ giữ được vị trí số 1 toàn cầu lâu hơn 1 năm so với tiên lượng trong báo cáo trước của chúng tôi" - CEBR cho biết. Ngoài ra, CEBR cũng dự báo đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ vào tốp 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đánh bật 2 nền kinh tế thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Ý và Canada.

Theo TTXVN, Australia cũng được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới trong thập kỷ tới, tăng 2 bậc so với vị trí thứ 13 hiện nay. Tăng trưởng dân số, với chủ yếu là lực lượng người nhập cư có tay nghề, sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của đất nước này.

Những người nhập cư có tay nghề muốn đến Australia sẽ là những đối tượng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia vốn ngày càng ít phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thay vào đó, chú trọng tới phát triển công nghệ và các lĩnh vực khác của phát triển toàn cầu.  Các số liệu thống kê chính thức của Australia cho biết trong hai năm 2015-2016, đã có hơn 120.000 người được cấp thị thực lao động ở nước này, là những đối tượng sẽ được cấp thị thực cư trú lâu dài.

Triển vọng nền kinh tế Australia trong năm 2018 được dự báo là tích cực, trong đó khu vực kinh doanh đang "vận hành tốt" và tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng từ khoảng 2% đến gần 3%.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu