13:08 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chàng trai 9X đầu tư tiền tỷ nuôi trai lấy ngọc xuất khẩu

10:19 30/09/2017

(THPL) - Sinh năm 1992, với tuổi đời còn rất trẻ nhưng Trương Đình Tùng (thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, Bắc Giang) đã thành công bước đầu với mô hình nuôi, cấy ghép trai nước ngọt lấy ngọc xuất khẩu.

Sau khi học xong Cao đẳng xây dựng công trình đô thị, Trương Đình Tùng về quê và không xin việc ở thành phố.

Năm 2015, trong chuyến thăm bạn ở tỉnh Ninh Bình, Nguyễn Đình Tùng tình cờ biết đến mô hình nuôi trai lấy ngọc. Nhận thấy tiềm năng nghề mới mẻ, độc đáo, Tùng quyết định ở lại trang trại nuôi trai của bạn để học, tích lũy kinh nghiệm.

Chàng trai trẻ 9X bên một con trai lớn đã cấy ngọc. Ảnh: Dân Việt

Vốn là người thông minh, năng động nên sau một năm rưỡi được ông chủ  truyền “bí quyết”, tháng 6 năm 2016, Tùng về quê tự xây dựng trang trại lập nghiệp với tổng vốn ban đầu bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng.

Với diện tích 5 sào mặt nước, Tùng nuôi khoảng 10 nghìn con trai, các con giống này được mua ở trong và ngoài huyện. Và ngay lập tức, Tùng đã gặp phải khó khăn đầu tiên đó là thời tiết khi nuôi trai không phù hợp, nhiệt độ ngoài khu nuôi luôn khá cao nên lượng trai mua về chết gần một nửa.

Khi nhận thấy nguyên nhân này, Tùng đã nhanh chóng thay đổi phương thức nuôi để bảo đảm cho trai sống khỏe trong môi trường phù hợp. Cũng may, môi trường nước ở tỉnh Bắc Giang rất phù hợp để nuôi cấy trai nước ngọt do ít bị nhiễm phèn. Nước nhiễm hóa chất sẽ làm mất vẻ đẹp thuần khiết của viên ngọc.

Tùng chia sẻ, nghề nuôi trai lấy ngọc là cả một quá trình. Sau khi bắt trai từ sông thì cần phải “thuần hóa” bằng cách đổ ra suối “dưỡng” giúp trai ổn định. “Khi đem trai về thí điểm, vừa làm vừa thử nghiệm ở các sông, hồ khác nhau, với độ nông sâu khác nhau. Mục đích để xem trai thích nghi tốt ở môi trường nào, độ sâu nào thì sẽ cấy trai số lượng lớn ở vị trí đó”.

Ông chủ trẻ cho hay, một lứa trai kéo dài 2 năm, sau khi chọn giống thả trai vào ao, suối để thuần trong 10-20 ngày. Sau đó, đưa vào bể dưỡng 24-48h để trai nhả bùn. Kế tiếp thực hiện công đoạn cấy ngọc vào trai. Sau khi cấy ngọc chuyển trai sang bể dưỡng (không có bùn, đất) trong 15-20 ngày để trai lành vết thương. Lúc này, cho từng con trai vào mỗi túi lưới khác nhau, treo lên giàn ngầm chìm xuống bể nuôi. Túi trai ngâm sâu trong nước từ 50-100cm, xong công đoạn này là chăm sóc và chờ ngày thu hoạch.

Hạt ngọc trong trai được nuôi sau hơn một năm. Ảnh: Nông nghiệp

Theo Tùng, nguồn nước để nuôi trai cũng rất nghiêm ngặt, nhiệt độ phải luôn duy trì từ 20-30 độ. “Nếu nhiệt độ nước quá cao hoặc thấp quá sẽ khiến cho trai chết, gây thiệt hại cho người nuôi. Khi mới bắt đầu, phải xem nguồn nước có bị phèn chua không, không ở gần các khu công nghiệp dễ bị ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, một năm cần phải thay ít nhất 1 lần nước để đảm bảo tỷ lệ trai sinh trưởng tốt”.

“Thức ăn chính của trai là tảo. Trong bể tôi nuôi kết hợp cá chép với số lượng vừa phải. Cá chép sẽ có nhiệm vụ khoắng nước dưới bể giúp tảo bám vào thành túi, cung cấp thức ăn cho trai”, anh Tùng chia sẻ.

Chia sẻ về phương pháp cấy ngọc vào trai, Tùng cho hay, cấy ngọc phải trải qua 2 công đoạn cắt tế bào và cấy ghép. Các công đoạn này đòi hỏi người thợ sự kiên nhẫn, tỷ mỉ, chính xác đến từng milimet.

Thời gian nuôi trai cấy ngọc vào khoảng 2 năm, trung bình 1 con trai cấy 2 viên ngọc. Tỷ lệ cấy thành công 60%. Kỹ thuật cấy ghép cần thực hiện rất cẩn thận tránh trai bị nhiễm trùng, đảm bảo tỷ lệ trai ngậm nhân cao.

Theo Trương Đình Tùng, đầu tư chi phí cho một con trai không phải là lớn nhưng lợi nhuận thu về có thể rất cao. Hiện, tính toán chi phí một con trai để nuôi, cấy ghép chỉ hết 35 nghìn đồng. Song, giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình có giá từ 400-800 nghìn đồng, ngọc trai loại đẹp từ 2-4 triệu đồng. Nhật Bản, Hồng  Kông và Hàn Quốc là những thị trường tiêu thụ rất lớn loại hàng trang sức quý này và đây cũng là thị trường tiềm năng để xuất khẩu trong thời gian tới. Theo dự kiến, với khả năng sống của lứa trai đầu tiên, năm sau Tùng sẽ thu về 4-5 tỷ đồng.

Tùng chia sẻ, khác với việc nuôi cấy trai biển thực hiện hàng trăm năm nay, việc nuôi, cấy trai nước ngọt mới du nhập về Việt Nam. Việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc cấy ghép nhân vào túi tinh thay vì cấy vào nội tạng như trai nước mặn.

Tùng đang cấy ngọc vào trai. Ảnh: Nông nghiệp

Tùng cho biết, tới đây, sau khi trang trại ổn định và phát triển, anh sẽ đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để chế tác sản phẩm. Mặt khác, chú trọng hướng vào thị trường nội địa, nhiều tiềm năng để có lợi nhuận cao hơn.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết trên báo Tiền phong, đây là mô hình làm kinh tế rất mới ở tỉnh Bắc Giang cũng như trên cả nước, sử dụng kỹ thuật tiên tiến. Dựa trên kết quả bước đầu của mô hình này, thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang sẽ xem xét, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện làm cơ sở để hướng dẫn thực hiện các dự án, đề tài khoa học để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nghề này phát triển.

Anh Thư (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu