07:55 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cặp vợ chồng khuyết tật nghèo khó rất cần hỗ trợ để đi chữa bệnh

| 11:13 05/12/2016

Người chồng chỉ cao chừng 1m bị thiểu năng trí tuệ, bệnh tật triền miên. Người vợ nhỉnh hơn chồng một chút. Bản thân chị cũng bị thần kinh nhưng nhiều năm nay trở thành trụ cột gia đình để mưu sinh giữa bao thứ bệnh tật mắc phải. Đó là hoàn cảnh của gia đình chị Vương Thị Lường (SN 1966, ở thôn 1, xóm Đồng Găng, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội).

Chị  Lường đau yếu vẫn tần tảo sắp đồ đi chợ bán. Ảnh P.T

Hai con người bất hạnh nương tựa vào nhau

Nhận được đơn xin trợ cấp gửi đến chuyên mục Vòng tay Nhân ái, để hiểu rõ hơn hoàn cảnh của gia đình chị Vương Thị Lường, chúng tôi đã tìm đến địa phương nơi gia đình cư trú, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Hỏi thăm tới hoàn cảnh nhà chị Lường, ai cũng xót xa. Một người chỉ đường cho chúng tôi nói: “Gia đình họ thuộc diện hộ nghèo có truyền thống ở xã. Họ không chỉ nghèo mà còn bệnh tật suốt, tội nghiệp lắm… Đi lên nhà họ dốc cao không quen khó đi lắm”.

Quả thực, con đường lên nhà chị Lường khá khó khăn. Phải đi hết con dốc cao gần như dựng đứng của núi Đồng Găng, chúng tôi mới tới được nhà anh chị. Căn nhà tình thương tuềnh toàng, trống hoác chẳng có gì đáng giá nằm trơ trọi ở đỉnh núi. Ngồi trước mặt chúng tôi là một phụ nữ 50 tuổi thấp bé, chân bước thấp bước cao, trên gương mặt hằn lên bao nỗi lo âu của những tháng ngày khó khăn trong cuộc sống. Chị Lường kể, chị là con thứ 5 trong gia đình 7 anh chị em. Sinh ra chị đã không được khỏe mạnh, đôi mắt chỉ nhìn thấy mờ mờ. Đến tuổi trưởng thành, chị cũng chỉ cao tầm hơn 1m. Tủi mình phận bạc nên chị chẳng dám nghĩ đến chuyện chồng con. Nhưng đến năm 35 tuổi nhờ mai mối, chị đã có được một “tấm chồng” tránh cảnh chăn đơn, gối chiếc.

Người chồng của chị hơn chị một tuổi, anh chỉ cao chừng 1m (thấp hơn chị). Không những thế, anh còn bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Mỗi khi lên cơn, anh lại nằm vật ra đất, giật đùng đùng, đánh vợ. Do bệnh tật hay tái phát nên anh không làm được việc nặng, thi thoảng chỉ giúp vợ việc lặt vặt lúc tỉnh táo. 51 tuổi, anh Lộc chỉ cao bằng đứa trẻ 6-7 tuổi, nhìn mặt cứ đờ đẫn lại mắc đủ bệnh xơ gan, trĩ, viêm tai giữa… ở giai đoạn nặng.

Chồng không có khả năng lao động, mọi việc đều dồn lên vai chị Lường. Khó khăn càng chồng chất từ năm 2014, khi bố chồng chị bị tai biến nằm liệt giường. Hết chăm bố chị lại phải chăm lo cho chồng bệnh tật, con ăn học, bởi vậy trông chị già hơn nhiều so với tuổi thực.

Hai vợ chồng chị Lường. Ảnh P.T

Khi chúng tôi tới thăm, bố chồng chị Lường vừa qua đời được ít ngày. Sau khi đưa chúng tôi đến thắp hương cho ông, chị Lường kể, ngày trước, bốn miệng ăn chỉ có hơn 1 sào ruộng, nên giáp hạt năm nào cũng phải đi ăn vay. Sinh hoạt gia đình, thuốc thang của cả nhà trông vào gánh hàng của chị. Mỗi ngày từ 5 giờ sáng, chị phải dậy để chất lên chiếc xe đạp cũ kĩ nào bu gà, thúng, mủng, chổi… lò dò từng bước chân xuống con đường đồi dựng đứng đem ra chợ bán. May mắn buôn bán còn được 30.000đồng/ngày, ngày nào không bán được lỗ cả tiền vé chợ. Dù vậy, chị vẫn tần tảo đem hàng đi bán, bất kể ngày nắng hay ngày mưa.

Được hàng xóm mách, chị Lường còn nhận thêm khâu lược áo len thuê những lúc rảnh rỗi, mỗi chiếc được trả công 500 đồng. Chăm chỉ khâu, mỗi ngày hai mẹ con chị cũng khâu được vài chục chiếc. Dù vậy cũng chẳng tránh được cảnh đói ăn, nhất là ngày chị đau nặng nằm một chỗ. Có khi gia đình cầm cự ăn mì gói cả tuần, thương tình bà con làng xóm người cho vài cân gạo, củ sắn, củ khoai.

Chị Lường sức khỏe giờ yếu, mắc đủ các thứ bệnh như bướu cổ, huyết áp cao, giảm thị lực. Gần đây, chân chị bước thấp bước cao, đi lại khó khăn vì bệnh khớp tái phát. Biết mình có bệnh nhưng không có tiền nằm viện điều trị nên mỗi lần thấy đau, chị chỉ ra trạm xá xã mua thuốc về uống cầm chừng. Không những vậy, căn bệnh bướu cổ ngày một nặng, bác sĩ đã mấy lần yêu cầu chị làm phẫu thuật nhưng chưa khi nào chị dám nghĩ tới chuyện đến bệnh viện để điều trị cho tới nơi tới chốn. Chị bảo: “Mình đau thật đấy nhưng lấy đâu tiền để chữa. Thuốc của chồng đã hết nửa tháng nay mà tôi chưa vay đâu được tiền để mua tiếp”.

Chỉ lo con sẽ thất học

Giấy xác nhận hộ nghèo của chị Lường

Là hộ nghèo của xã Tân Hòa nhiều năm nay, căn nhà của anh chị hiện cũng là nhờ tình thương của mọi người. Chị Lường cho biết, năm 2014, thương hoàn cảnh gia đình nhà chị sống trong căn nhà lụp xụp, dột nát, các ban, ngành của xã đã đóng góp, xây cho một căn nhà tình thương nho nhỏ. Hiện hàng tháng gia đình được trợ cấp 525.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khoản tiền trợ cấp ít ỏi chẳng đủ tiền thuốc thang cho chồng, khiến chị chẳng dám nghĩ đến việc phải chạy chữa cho mình hay nghỉ một buổi chợ.

Nhắc tới ngôi nhà tình thương, chị Lường giật mình nhớ tới khoản nợ 20 triệu đồng vay để phụ thêm vào. Không có giếng nước, ngoài ít nước mưa dự trữ để nấu ăn, suốt 15 năm trời phải thay phiên nhau xin nước xách từ hàng xóm về rồi đợi khi trời tối hẳn, cả nhà mới dám ra sau nhà tắm rửa. Khổ quá, vay mượn mãi năm ngoái chị mới làm xong cái giếng và nhà tắm mà giờ chẳng biết khi nào trả được khi cả đời chị dù cực nhọc mưu sinh cũng thiếu trước hụt sau.

Hạnh phúc lớn nhất của đôi vợ chồng này có lẽ là cô con gái Vương Thị Thùy Linh (SN 2001) may mắn phát triển bình thường, ngoan ngoãn rất chăm chỉ học hành. Dù nghèo nhưng chị vẫn cố cho con ăn học đến nơi đến chốn, mong muốn sau này con mình đỡ vất vả. “Tôi chỉ mong chồng không phát bệnh nhiều nữa, con gái không phải nghỉ học là tôi mừng lắm rồi. Biết mình mang bệnh nặng, nhưng nhà chẳng có cái mà ăn nói gì đến chữa bệnh. Thà chấp nhận hy sinh bản thân mình, để cho con được tiếp tục đến trường”, chị Lường nghẹn ngào cho biết.

Nói rồi nhìn đứa con gái tội nghiệp ngồi bệt dưới đất học bài, bởi đến cái bàn học chị cũng không mua được cho con, nước mắt chị lại trào ra. Ước muốn ấy của chị có thể chẳng bao giờ thành hiện thực vì “trụ cột” ấy sức khỏe giờ quá yếu lại không được chữa trị.

Anh Vương Sỹ Thái, Trưởng thôn 1, xóm Đồng Găng ái ngại cho biết: “Gia đình chị Lường là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều năm qua vẫn chưa thoát nghèo của địa phương. Bản thân chị bệnh tật, chồng cũng ốm đau bệnh tật suốt. Địa phương có hỗ trợ nhưng nói thật cũng chẳng thấm vào đâu cả. Qua đây tôi cũng tha thiết kính mong quý báo cùng các cấp ban, ngành và nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình anh chị Lường để có điều kiện đi chữa bệnh…”.

Mọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ: 

Chị Vương Thị Lường, thôn 1, xóm Đồng Găng, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội

Theo Giadinh.net.vn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu