22:10 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Canh Hoạch - Nức tiếng làng nghề truyền thống "xây nhà" cho chim cảnh

08:44 03/08/2021

(THPL) - Xưa nay, làng Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ được biết đến là miền đất sinh ra hai vị trạng nguyên và nhiều bậc tiền nhân có công với đất nước mà còn nổi tiếng với nghề truyền thống làm lồng chim. Cũng bởi vậy mà nghề làm lồng chim làng Canh Hoạch đã vang danh khắp cả nước với câu ca: “Ai về làng Vác nhắn nhờ/Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng”.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Nghề làm lồng chim ở làng Canh Hoạch (còn gọi là làng Vác) đã có từ lâu đời. Người được coi là ông tổ làng nghề phải kể đến cố nghệ nhân Nguyễn Văn Tý. Sau này, cụ Nguyễn Văn Tý truyền nghề cho con trai là Nguyễn Văn Nghi (cụ Ba Mi). Sinh thời, cụ Nguyễn Văn Nghi nức tiếng trong vùng bởi có “đôi tay vàng”.

Ngày nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ (con trai cả của cụ Ba Mi) đang tiếp nối nghề truyền thống ông cha truyền lại. Là người được phong danh hiệu nghệ nhân duy nhất trong làng, giờ đây ông Nguyễn Văn Nghệ không chỉ làm lồng chim mà còn phát triển thêm sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. “Lồng chim làng Canh Hoạch có đặc trưng riêng ít nơi nào sánh được - đó là sự bền, đẹp, sang trọng, có sức hút rất lớn đối với những người có sở thích nuôi chim cảnh” - ông Nghệ tự hào cho biết.

Nghề làm lồng chim ở làng Canh Hoạch (còn gọi là làng Vác) có từ lâu đời. 
Lồng chim làng Canh Hoạch có đặc trưng riêng ít nơi nào sánh được - đó là sự bền, đẹp, sang trọng, có sức hút rất lớn đối với những người có sở thích nuôi chim cảnh
Lồng chim của Canh Hoạch được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. 

Hỏi thăm các nghệ nhân làng Canh Hoạch, chúng tôi được biết: Để đáp ứng được ba tiêu chí bền, đẹp, sang, người thợ làng Canh Hoạch phải kỳ công làm khá nhiều công đoạn như ngâm tre, luộc tre, hun tre, quang dầu, vót nan làm đáy, làm vanh (vành), cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng. Tre, trúc nguyên liệu phải là loại tre rừng mua về từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng.

Mặc dù lồng chim Canh Hoạch chỉ làm bằng tre ngâm hoặc mây nõn, cấu trúc giản đơn nhưng lồng chim lại được tạo dáng khá bắt mắt và quan trọng là gọi được tiếng chim hót mỗi sớm mai. Có lẽ cái hồn cốt của nghề truyền thống và tình cảm của người nghệ nhân Canh Hoạch trong mỗi chiếc lồng chim khiến các chú chim có được cảm giác ấm áp, yên ổn vui chơi trong “ngôi nhà” của mình.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, dù khó khăn đến đâu, người làng Canh Hoạch vẫn quyết tâm giữ nghề. Hiện cả làng có hơn 1.000 hộ làm lồng chim, thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Các hộ làm lồng chim ở Canh Hoạch thường chủ động hoàn toàn từ khâu chọn tre, trúc cho đến khi hoàn thành sản phẩm bán cho khách hàng. Lồng chim của Canh Hoạch được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, đời sống người dân nơi đây luôn ở mức khá và đóng góp xây dựng làng quê ngày một khang trang.

Có dịp đặt chân đến làng Canh Hoạch vào một buổi chiều hè, cảm giác như “rơi tõm” vào một không gian xanh màu tre trúc và rộn ràng tiếng chim. Nhà nào cũng thấy dựng tre phơi, ngổn ngang khắp sân. Đặc biệt, những du khách ở xa tới làng, chỉ thích dừng chân ở ngã tư Vác không chỉ vì tiếng chim ríu ran trong buổi chiều mà còn bởi nét đẹp duyên dáng của những chiếc lồng Canh Hoạch đung đưa trong gió chiều hè…

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu