09:47 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cảnh báo về trào lưu "bắt pen" trên mạng xã hội

Tú Chi (T/h) | 20:23 15/10/2024

(THPL) - Các chuyên gia khuyến cáo, khi tham gia hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội, mọi người cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân lên trên hết.

Trước đó, ngày 14/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về trò chơi nguy hiểm chết người của giới trẻ, đó là "bắt pen".

Theo thông tin cảnh báo, "bắt pen" là trào lưu đang thịnh hành trên mạng xã hội Tiktok trong những ngày gần đây. Khi chơi trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc "phê pha giả tạo".

Trong nhiều clip được đăng tải trên mạng xã hội, sau một thời gian ngắn, người bị "bắt pen" sẽ có tình trạng không tỉnh táo, thậm chí ngất xỉu, khiến người xung quay phải lay, tát vào mặt để trở lại trạng thái bình thường.

Ảnh cắt từ clip về trò "bắt pen" lan truyền trên mạng xã hội. Nguồn: NLĐ

Theo CDC Hà Nội cho rằng, nguyên nhân sâu xa của trào lưu "bắt pen" là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt. Tuy nhiên cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm, không thể lường trước được.

Dưới đây là một số tác hại của trào lưu "bắt pen":

Thiếu máu não: Nếu thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.

Ngưng tim: Hành động "bắt pen" có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột.

Chấn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ: Áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh và mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh. Trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.

Với một số tác hại trên, CDC Hà Nội khuyến cáo, khi tham gia hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội thì người dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội lên trên hết.

Cũng liên quan đến trào lưu bắt pen, theo các chuyên gia y tế, trào lưu "bắt pen" là việc làm nguy hiểm, cần phải ngăn chặn trên MXH vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Bản chất của hành động này là chặn động mạch cảnh 2 bên gây thiếu máu não, gây tắc nghẽn mạch cảnh 2 bên tạo cảm giác lâng lâng, gây "phê" giả.

Theo Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, khẳng định đây là một trào lưu cực kỳ nguy hiểm tới tính mạng, có thể gây tử vong nhanh chóng, mọi người tuyệt đối không nên thử. Bác sĩ Mạnh cho rằng, hành động "bắt pen" - dùng tay ép mạch có thể gây tắc mạch máu. Mạch máu rất mềm, chỉ cần tìm đúng mạch và dùng tay ấn nhẹ thì máu sẽ ngừng lưu thông. Trong cấp cứu, trường hợp bị chảy máu, khi nhấn đúng vào mạch, máu cũng sẽ dừng chảy.

Hiện tượng thiếu máu não đột ngột này sẽ khiến con người rơi vào tình trạng mê man. Đây cũng là lý do nam sinh có cảm giác ngất ngây và bạn bè phải tát để tỉnh lại. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm giác giả, rất nguy hiểm. Nếu ấn lâu vào 2 động mạch cảnh thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi. Ngoài ra, ấn vào mạch máu nhiều lần cũng sẽ gây dập mạch, hình thành huyết khối và tăng nguy cơ đột quỵ não.

Tương tự, PGS. TS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam cho biết, phần lớn lượng máu nuôi não sẽ được vận chuyển qua 2 mạch cảnh trái và phải ở cổ. Thực hiện ấn cổ vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu vào 2 động mạch cảnh thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.

Với những người có bệnh nền về tuần hoàn máu, khi thực hiện động tác "bắt pen" sẽ dễ hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu